Cẩm Nang Phượt Tây Hồ Hà Nội Chi Tiết Nhất

Tây Hồ

Tây Hồ không chỉ hút khách bởi nét ẩm thực độc đáo, hay phong cách sống sôi động về đêm. Mà nơi đây còn có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, được xếp vào hàng bậc nhất thủ đô.

Trong chuyến đi phượt Tây Hồ ngày hôm nay, chúng ta sẽ có cơ hội khám phá những nét đẹp tinh túy nhất của một quận nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, Siêu Phượt còn gửi đến bạn một lịch trình phượt Tây Hồ trong 3 ngày 2 đêm, đủ để các bạn có những trải nghiệm tốt nhất trong chuyến đi phượt Hà Nội lần này.

Tổng quan về Tây Hồ, Hà Nội

Quận Tây Hồ có diện tích khoảng 24km², nằm ở phía bắc, thuộc nội thành Hà Nội. Tây Hồ giáp ranh với quận Long Biên, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy và huyện Đông Anh. Tên gọi Tây Hồ xuất phát từ hồ Tây, là hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội với diện tích trên 500ha.

Tây Hồ được xem là lá phổi của thành phố thủ đô, khi mật độ cây xanh ở đây bao phủ dày đặc trên các con đường, dọc quanh bờ hồ, bên cạnh đó là các thung lũng hoa đầy màu sắc như: bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa Hồ Tây…

Khu vực quanh Hồ Tây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa với nhiều ngôi chùa, ngôi đình cổ như: chùa Vạn Niên, chùa Trấn Quốc, đình Quán La, đình Yên Phụ… ngoài ra còn có nhiều làng nghề truyền thống như: làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá…

Vị trí quận Tây Hồ trên Google Maps

Tây Hồ cũng được xem là một khu ẩm thực đình đám với phong cách ẩm thực đa dạng, từ dân dã cho đến sang trọng, hay lối sống có phần nhộn nhịp về đêm tại đây cũng là một điểm nhấn.

Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc tại Tây Hồ luôn rất sang trọng và kiểu cách, từ nhà hàng, khách sạn cho đến những quán cà phê… đặc biệt là những khách sạn mini tại đây luôn đẹp và hút khách, giá lại không quá cao.

Bản đồ du lịch cho người đi phượt Tây Hồ

Quận Tây Hồ có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Để giúp bạn phượt có cái nhìn tổng quan nhất về du lịch nơi đây, Siêu Phượt sẽ gửi đến bạn bản đồ du lịch quận Tây Hồ mới nhất.

Bản đồ du lịch Tây Hồ

Phượt Tây Hồ mùa nào đẹp nhất?

Bạn có thể phượt Tây Hồ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì mỗi mùa ở Tây Hồ đều có một nét đặc trưng riêng để bạn trải nghiệm.

  • Nếu phượt Tây Hồ vào mùa xuân, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sắc hoa, cùng với đó là nhiều lễ hội lớn nhỏ tại các đền đài, chùa chiềng… vốn chỉ diễn ra vào dịp đầu xuân.
  • Phượt Tây Hồ vào mùa hè cũng là thời điểm thích hợp, bởi vì diện tích mặt hồ lớn cùng với lượng cây xanh tương đối nhiều sẽ làm giảm đi cảm giác oi bức của nắng Hà Nội.
  • Thời tiết mùa thu ở Tây Hồ vô cùng mát mẻ, thích hợp để tham gia một số hoạt động như: đi dạo, ngắm hoàng hôn, thả diều, chạy xe đạp vòng quanh bờ hồ…
  • Nếu phượt Tây Hồ vào những đêm đông, bạn vẫn sẽ cảm nhận được sự sôi động của dòng người đổ về đây, họ tập trung ở các hàng quán, trên phố đi bộ… dù thời tiết là khá lạnh.
Một góc phượt Tây Hồ Hà Nội

Phương tiện phượt Tây Hồ phổ biến

Tây Hồ là một quận nội đô Hà Nội nên việc di chuyển đến đây rất dễ dàng. Bạn có hoàn toàn có thể đi xe máy (hoặc ô tô, xe đạp) hay xe buýt đều được.

Phượt Tây Hồ bằng xe máy

Xe máy là phương tiện phổ biến nhất được phượt khách sử dụng để phượt Tây Hồ, bạn có thể thuê một chiếc xe máy ở những khách sạn, nhà nghỉ thuộc các quận trung tâm thành phố Hà Nội.

Từ các quận trung tâm thành phố (như quận Hoàng Kiếm, Ba Đình, Đóng Đa, Hai Bà Trưng) di chuyển đến Tây Hồ chỉ mất khoảng 10km. Nếu xuất phát từ các quận huyện phía bắc hoặc phía đông thành phố (như huyện Đông Anh, Gia Lâm, quận Long Biên…), thì bạn sẽ phải qua một trong những cây cầu bắc qua bên kia sông Hồng, phổ biến nhất là cầu Nhật Tân.

Phượt Tây Hồ bằng xe buýt

Có rất nhiều tuyến xe buýt đi Tây Hồ, hãy lựa chọn tuyến xe buýt tương ứng với một số địa điểm tham quan bạn muốn đến ngay sau đây:

  • Khu vực quanh Hồ Tây: tuyến xe 14, 31, 33, 41, 45, 50, 58.
  • Công viên nước Hồ Tây: tuyến xe 33, 58
  • Thung lũng hoa Hồ Tây: tuyến 33, 58
  • Bãi đá sông Hồng: tuyến 31, 55, 58
  • Chùa Trấn Quốc: tuyến 33, 50
  • Phố đi bộ Trịnh Công Sơn: tuyến: 33, 55, 58
  • Phủ Tây Hồ: tuyến 31, 41, 55

Bạn có thể tham khảo một số tuyến xe khác trên Google Maps hoặc ứng dụng Tìm Buýt trên điện thoại. Khi lên xe, bạn có thể hỏi phụ xe điểm xuống để tránh xuống nhầm bến bạn nhé.

Phượt Tây Hồ bằng xe máy

TOP 10 địa điểm phượt Tây Hồ hấp dẫn nhất

Sau đây là TOP 10 địa điểm phượt Tây Hồ hấp dẫn nhất. Cùng với bản đồ phượt Tây Hồ ở trên, hãy chọn ra cho mình một vài địa điểm thích hợp và bắt đầu trải nghiệm. 

Chùa Trấn Quốc

Địa điểm phượt Tây Hồ đầu tiên phải kể đến là Chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ có lối kiến trúc đẹp nhất Hà Nội. Ngôi chùa có lịch sử gần 1500 năm, tọa lạc trên hòn đảo phía Đông của hồ Tây.

Vào thời phong kiến, chùa Trấn Quốc từng là trung tâm phật giáo của kinh thành Thăng Long. Hiện nay, quần thể chùa có diện tích khoảng hơn 3000m2, gồm 3 ngôi chính: nhà Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện, hợp thành hình chữ Công (工).

Năm 1998, chùa xây dựng thêm ngôi bảo tháp Lục Độ Đài Sen với thiết kế vô cùng đẹp mắt. Tháp gồm 11 tầng, cao 15m, tại mỗi tầng đều có pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong các ô vòm. Trên đỉnh là tuyệt tác Cửu Phẩm Liên Hoa, còn gọi là “Tháp Sen Chín Tầng” làm bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp linh thiêng của ngôi cổ tự.

Chùa Trấn Quốc
Ngôi Bảo Tháp chùa Trấn Quốc
Vị trí chùa Trấn Quốc

Đình Quán La

Đình Quán La là ngôi đình cổ trên dưới 1000 năm tuổi, nằm ở phường Xuân La, Tây Hồ. Trước đây, đình có tên gọi là quán Già La, vốn là nơi tu hành của các đạo sĩ.

Kiến trúc đình Quán La được chia làm 3 gian: hai tiền tế và một mật cung. Trong đền thờ một vị thần tướng vô danh, có công bảo vệ vùng đất này.

Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ 18 đạo sắc của các triều đại phong kiến từ nhà Lê đến nhà Nguyễn. Phía sau đình còn có cái hang sâu 4m, dẫn vào một mật thất. Bên trong mật thất có những ngôi mộ thời Hán, có người nói rằng đây nơi luyện đan, hoặc là nơi nơi bế quan của các vị tu sĩ đạo giáo.

Đình Quán La
Vị trí Đình Quán La

Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ là một trong những ngôi đền cổ mang giá trị tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người dân bản địa. Ngôi đền nằm ở làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII.

Phủ Tây Hồ không quá lớn, công trình bên trong gồm có: phủ chính, Sơn Trang điện, lầu cô, lầu cậu. Trong đền thờ Liễu Hạnh công chúa, một trong 4 vị thánh bất tử của tín ngưỡng Việt Nam.

Ngoài ra, lễ hội phủ Tây Hồ cũng được tổ chức mỗi năm 2 lần, vào 3 tháng 3 âm lịch và 13 tháng 8 âm lịch. Nếu đi phượt Tây Hồ vào những ngày này, bạn sẽ có hội tham gia các nghi lễ cũng người dân bản địa.

Phủ Tây Hồ
Vị trí Phủ Tây Hồ

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn có chiều dài 900m, nằm giữa công viên nước hồ Tây, khu đầm sen, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân. Phố đi bộ được mở vào chiều thứ bảy, từ 17h-23h và cả ngày chủ nhật từ 8h-23h.

Không gian của phố đi bộ trưng bày rất nhiều tranh ảnh của cố nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, với hệ thống đèn chiếu sáng được phân bố ở khắp nơi, đảm bảo cho phố đi bộ luôn nổi bật dù là ngày hay đêm.

Một số công trình nổi bật tại phố đi bộ gồm có: sân khấu rộng 2000m² phục vụ cho các buổi biểu diễn nghệ thuật, cổng chào trái tim, bức tường hoa tươi, con đường nghệ thuật 3D, con đường tình yêu… cùng với hơn 20 gian hàng về văn hóa và ẩm thực đang đợi các bạn khám phá.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn
Phố đi bộ về đêm
Bản đồ phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Thung lũng hoa Hồ Tây

Thung lũng hoa hồ Tây có diện tích 7000m², được xem là thung lũng hoa đẹp và lớn nhất Hà Nội. Hoa ở đây nở bốn mùa, mỗi mùa sẽ có những loại hoa riêng biệt với đủ loại màu sắc khác nhau. Chính điều này đã làm cho thung lũng hoa Hồ Tây trở thành địa điểm lý tưởng cho phượt khách mỗi khi phượt Tây Hồ.

Ngoài hoạt động ngắm hoa, chụp ảnh, cắm trại, cho tới các hoạt động đội nhóm… thì không gian rộng lớn ở đây còn cho phép bạn tổ chức sinh nhật, tiệc cưới. Giá vé tham quan vườn hoa cũng không quá cao, chỉ khoảng 120.000 đồng/ người.

Thung lũng hoa Hồ Tây
Chụp ảnh tại thung lũng hoa
Vị trí thung lũng hoa Hồ Tây

Bãi đá sông Hồng

Một địa điểm ngắm hoa nổi tiếng khác ở Tây Hồ, đó là vườn hoa Bãi Đá Sông Hồng, tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn với diện tích khoảng 1 hecta.

Vườn hoa ở đây tuy không đa dạng như thung lũng hoa Hồ Tây, nhưng diện tích bao phủ thì vô cùng rộng lớn. Mỗi mùa sẽ có một loại hoa chủ đạo, ví dụ như: hoa hướng dương vào mùa xuân, hay hoa cúc họa mi vào mùa đông. Ngoài ra, còn có khu cắm trại nằm sát bờ sông Hồng, nơi mà bạn có thể thuê lều trại và thưởng cà phê.

Giá vé tham quan vườn hoa khoảng 50.000 đồng/ người, giá thuê lều trại khoảng 300.000/ 6 giờ, trong khi giá gọi đồ ăn, thức uống ở đây dao động từ 30.000 – 60.000 đồng.

Cúc họa mi tại vườn hoa
Khu cắm trại được thiết kế rất bắt mắt
Vị trí Bãi Đá Sông Hồng

Công viên Hồ Tây

Công viên Hồ Tây là địa điểm vui chơi giải trí lý tưởng dành cho du khách đi phượt Tây Hồ. Công viên rộng trên 8ha, gồm có 2 khu: khu công viên nước gồm những trò chơi dưới nước, và khu công viên Mặt Trời Mới gồm những trò chơi giải trí trên mặt đất.

Một số trò chơi dưới nước phổ biến gồm có: lướt sóng thần nhân tạo, trượt cầu, trượt ống nước từ trên cao… Trong khi những trò chơi phổ biến ở mặt đất phải kể đến như: tàu điện trên không, đoàn tàu Thomas, vòng quay mặt trời khổng lồ, đu quay xoắn,…

Giá vé vào cổng của khu công viên Mặt Trời Mới là 15.000 đồng/ người. Bạn sẽ tốn thêm chi phí cho mỗi trò chơi mà bạn tham gia tại đây, hoặc bạn có thể mua gói combo với giá 185.000 đồng cho một số trò chơi có sẵn.

Trong khi giá vé vào cổng của công viên nước là 135.000 đồng/ người, bạn sẽ không tốn thêm chi phí cho việc tham gia các trò chơi dưới nước.

Công viên nước Hồ Tây
Công viên Mặt Trời Mới
Vị trí công viên Hồ Tây

Làng hương Yên Phụ

Làng Yên Phụ nằm ở đông bắc Tây Hồ, là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng với nghề làm hương. Tuy nhiên, do quá trình hiện đại hóa, nghề làm hương dần bị mai một.

Một số hộ làm hương nổi tiếng ở đây gồm có: nhà bà Ứng Thị Thu ở số 55 Nghi Tàm, hay gia đình chị Tú Hạnh ở ngõ 76, phố An Dương…

Ngoài tham quan làng hương, du khách thường sẽ viếng thăm đình Yên Phụ. Ngôi đình thờ Uy Linh Lang, một vị hoàng tử thời nhà Trần có công trong việc đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược.

Truyền thống làm hương làng Yên Phụ
Vị trí làng hương Yên Phụ

Làng quất Quảng Bá

Làng Quảng Bá nằm ở phường Quảng An, là làng nghề nổi tiếng với nghề trồng quất, trồng đào. Ngành trồng quất ở đây mang lại thu nhập rất cao cho người bản địa, vì vậy mà nghề này vẫn còn phát triển với hơn 50% hộ dân theo nghề.

Nếu đến làng Quảng Bá vào dịp cận tết, bạn sẽ được chứng kiến những hàng quất chín rộ, cùng với đó là sự tấp nập của dòng người kéo về đây chọn quất để chơi tết.

Ngoài làng quất, bạn có thể check-in 2 địa điểm khác tại Quảng Bá như: Đình Quảng Bá là nơi thờ Phùng Hưng, hoặc chợ hoa Quảng Bá là một trong những khu chợ hoa lớn nhất Hà Nội.

Chợ quất Quảng Bá
Chợ hoa Quảng Bá
Vị trí làng quất Quảng Bá

Làng đào Nhật Tân

Làng Nhật Tân nằm ở tây bắc Tây Hồ, là làng nghề trồng đào có tiếng ở Hà thành với hơn 60 hecta diện tích đất trồng, nơi đây nổi tiếng với nhiều giống đào như: đào bích, đào thế, đào bông tự…

Vào những dịp cận tết, làng đào luôn là một trong những địa điểm check-in lý tưởng. Người ta đến làng đào không chỉ để xem đào, mà còn để chiêm ngưỡng nhiều loài hoa khác nhau.

Bên cạnh việc tham quan làng đào, còn có một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác như: chùa Tào Sách có từ thời Tiền Lê, hoặc Đình Nhật Tân thờ hoàng tử Uy Linh Lang.

Vườn đào Nhật Tân
Vị trí làng đào Nhật Tân

Các hoạt động thú vị khi phượt Tây Hồ

Có rất nhiều thứ mà bạn phải khám phá khi đi phượt Tây Hồ. Hãy bắt đầu cuộc hành trình của bạn bằng những hoạt động phổ biến tại đây như:

Dạo quanh hồ Tây bằng xe đạp

Dạo quanh Hồ Tây bằng xe đạp là một trong những thú vui phổ biến của những người đi phượt Tây Hồ. Dọc quanh hồ Tây có rất nhiều địa điểm cho thuê xe đạp, tập trung chủ yếu ở các phố Trích Sài, Nhật Chiêu với mức giá khoảng 50.000 đồng/ 3 giờ.

Thủ tục thuê xe đạp cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần cọc chứng minh thư, căn cước công dân hoặc gửi lại xe máy là có thể nhận được xe đạp. Một số hãng cho thuê xe đạp nổi tiếng phải kể đến là: Good Morning, Hải Xe Đạp…

Đi xe đạp quanh hồ Tây

Khám phá các làng nghề truyền thống

Những làng nghề tập trung chủ yếu ở quanh khu vực Hồ Tây, một số làng nghề nổi tiếng ở đây gồm có: làng hương Yên Phụ, làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá.

Nếu bạn viếng thăm làng nghề vào những dịp cận tết, thì bạn sẽ cảm nhận được sự nhộn nhịp của làng nghề, khi dòng người đổ về đây để xem quất, xem đào…

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều làng nghề cổ có niên đại lên đến hàng thế kỷ như: làng Nghi Tàm, làng Xuân La, các làng Kẻ Bưởi. Trước đây, những làng này từng đã phát triển một ngành nghề nào đó, nhưng do quá trình hiện đại hóa mà các nghề này dần bị đào thải.

Tuy nhiên, những vết tích của một làng nghề truyền thống như: đình làng, cổng làng, công cụ sản xuất, các hiện vật cổ… vẫn còn lưu lại và bảo tồn cho đến ngày nay.

Làng đào Nhật Tân vào cận tết

Thưởng thức cafe, ngắm view hồ Tây

Một trong những hoạt động không thể bỏ qua khi đi phượt Tây Hồ, đó là ghé một quán cafe, nhâm nhi một chút đồ uống và ngắm nhìn không gian tuyệt vời nơi hồ Tây. Một số quán cafe view đẹp mà bạn có thể tham khảo:

Santorini Vibes Cafe

Một quán cafe phong cách Hy Lạp, tọa lạc trong lòng thủ đô Hà Nội. Quán có thiết kế vô cùng bắt mắt và sang trọng, là một trong những địa điểm check-in “sốt” nhất của giới trẻ thủ đô. Đồ uống của quán khá ổn với mức giá chỉ từ 25.000 đồng – 80.000 đồng.

Santorini Vibes Cafe
Vị trí Santorini Vibes Cafe

Quán Tháng Mười

Quán mang đến phong cách hoài niệm, cổ điển, rất thích hợp cho những du khách tìm cảm giác bình yên giữa thành phố nhộn nhịp. Đồ trang trí trong quán có nhiều đồ handmade mang phong cách vintage rất đẹp và tinh tế. Menu của quán được đánh giá phong phú và đa dạng với mức giá từ 15.000 đồng – 80.000 đồng.

Quán Tháng Mười
Vị trí Cafe Tháng 10

Trải nghiệm khu ẩm thực bình dân về đêm

Tây Hồ là một trong những khu ẩm thực nổi tiếng nhất nhì Hà thành, nơi đây có nhiều nhà hàng, quán rượu, quán cà phê, bar pub sang trọng cho đến các hàng quán bình dân.

Đi phượt Tây Hồ vào buổi tối, dọc các hàng quán từ phố Nhật Chiêu đến tượng rồng đôi, bạn sẽ cảm nhận được khung cảnh náo nhiệt với dòng người chen chút nhau để mua từng món đồ ăn, thức uống.

Các đồ ăn, thức uống tại đây cũng có tiếng ngon và rẻ, với giá chỉ từ 30.000 đồng/ phần. Nếu bạn đến đây sau 20 giờ, thì rất có thể bạn sẽ ngồi bệt ở một chỗ nào đó… vì không còn ghế để ngồi.

Một góc Tây Hồ về đêm

Phượt Tây Hồ nên ăn gì?

Có rất nhiều món ăn được bày bán khắp nơi quanh khu vực hồ Tây. Tuy nhiên, có một số món ăn địa phương mà người đi phượt Tây Hồ nhất định phải thử một lần như là:

Bánh tôm Hồ Tây được chiên vàng giòn, tôm bên trong ngọt thịt thơm béo, ăn kèm với rau sống, chấm nước chấm chua ngọt.

Bánh tôm hồ Tây

Bánh rán mặn Võng Thị vỏ bánh giòn và mỏng, nhân bên trong làm từ thịt lợn, nấm, miến. Bánh được cắt nhỏ cùng đu đủ, cà rốt, ăn kèm với nước chấm chua ngọt.

Bánh rán mặn Võng Thị

Bánh giò Cô Béo (hay bánh giò Thụy Khuê) có vỏ bánh to và mềm mướt, nhân bên trong đầy đặn, thơm mùi thịt xay, mộc nhĩ, hành tím. Bánh giò ăn cùng với chả cốm, giò tai, giò bò và dưa góp.

Bánh giò cô Béo

Phượt Tây Hồ, ngủ ở đâu?

Tây Hồ là quận nội thành Hà Nội, nên bạn sẽ dễ dàng tìm thuê cho mình một nhà nghỉ, homestay, hay khách sạn để tá túc trong một vài ngày. Giá thuê phòng cũng đủ loại mức giá khác nhau, phụ thuộc vào sự tiện nghi của nội thất, vị trí gần hồ Tây không? có view đẹp không?

Nhà nghỉ thường tập trung nhiều ở các tuyến đường Lạc Long Quân, Âu Cơ với mức giá giao động từ 300.000 – 800.000 đồng/ đêm, một số nhà nghỉ được đánh giá tốt gồm có: nhà nghỉ Cầu Vồng, nhà nghỉ Cây Dừa và nhà nghỉ 635. Khách sạn ở Tây Hồ thì có khắp mọi nơi, trên mọi tuyến đường, từ khách sạn bình dân đến khách sạn cao cấp với mức giá thấp nhất là 400.000 đồng/ ngày. 

Homestay ở Tây Hồ cũng có mức giá khá mềm, giao động từ 350.000 – 1.000.000 đồng/ đêm. Một số homestay phổ biến gồm có: The Autumn homestay, Hygge homestay, Hanoi Westlake homestay. 

Góc view từ homestay ở Tây Hồ

Lịch trình phượt Tây Hồ chi tiết trong 3 ngày

Mặc dù quận Tây Hồ có diện tích không lớn, nhưng bạn khó có thể khám phá hết toàn bộ Tây Hồ chỉ trong một hai ngày phượt. Để đảm bảo cho một chuyến phượt Tây Hồ trọn vẹn, bạn cần phải dành ít nhất 3 ngày để trải nghiệm.

Sau đây là lịch trình phượt Tây Hồ dự kiến trong 3 ngày 2 đêm, lịch trình chỉ mang tính tham khảo, các bạn có thể tùy chỉnh các địa điểm sao cho phù hợp với sở thích cá nhận của mình.

Phượt Tây Hồ ngày thứ nhất: Trải nghiệm khu vui chơi, phố đi bộ tại Tây Hồ

Bạn có thể bắt đầu chuyến đi phượt Tây Hồ của mình bằng việc trải nghiệm các hoạt động vui chơi tại công viên Mặt Trời vào buổi sáng, khi nhiệt độ chưa quá nóng. Các trò chơi ở công viên Mặt Trời rất đa dạng, nhất định sẽ để lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.

Sau khi đã khám phá hết công viên Mặt Trời, bạn có thể ăn trưa tại khu vực nhà ăn của công viên. Giá đồ ăn, thức uống tại đây sẽ cao hơn bên ngoài, nhưng chất lượng đồ ăn sẽ được đảm bảo hơn.

Sau khi ăn xong, bạn có thể nghỉ ngơi đôi chút ở các khu vực có ghế đá, cây cối hoặc mái che, trước khi trải nghiệm cảm giác ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh tại công viên nước.

Bạn hãy kết thúc ngày phượt đầu tiên của mình bằng việc đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nơi mà bạn có thể thưởng thức những giai điệu bất hủ của nhạc Trịnh, thưởng thức ẩm thực đường phố và check-in vài tấm ảnh lưu niệm tại đây.

Phượt Tây Hồ ngày thứ hai: thưởng hoa và picnic tại bắc Tây Hồ

Nếu bạn đã tiêu tốn nhiều năng lượng cho ngày hôm trước, thì hãy bắt đầu ngày thứ hai của bạn bằng việc thưởng hoa ở bắc Tây Hồ, nơi có nhiều vườn hoa đẹp trên những bãi đất rộng màu mỡ.

Bạn có thể đến ngay làng đào Nhật Tân nếu như chuyến đi của bạn ở thời điểm cận tết. Còn những ngày thường, thì địa điểm thích hợp nhất là thung lũng hoa Hồ Tây, nơi bạn có thể check-in và ăn uống, cắm trại.

Tuy nhiên, một địa điểm thích hợp hơn để cắm trại đó là bãi đá sông Hồng, vì khu vực dựng trại rất rộng và thoáng, lại nằm cạnh con sông lớn nhất vùng Bắc Bộ.

Bạn có thể dành cả buổi trưa để khám phá các cánh đồng hoa tại bãi đá trước khi cắm trại, ăn uống và tham gia các hoạt động vui chơi, đội nhóm nếu nhóm phượt của bạn có nhiều người.

Buổi chiều tối là thời điểm thích hợp để khám phá hồ Tây, hãy thuê một chiếc xe đạp để dạo quanh hồ, ngắm hoàng hôn, hoặc dừng chân ở một quán cà phê view đẹp nói trên. Sau đó, hãy thưởng thức ẩm thực dân dã, và trải nghiệm cuộc sống về đêm của người Hà Nội tại đây.

Phượt Tây Hồ ngày thứ ba: Khám phá làng nghề, các công trình tín ngưỡng

Trước khi tiến hành tham quan các làng nghề, cùng các công trình tín ngưỡng, hãy thu xếp hành lý của bạn thật gọn gàng, vì bạn sẽ phải trả phòng trước 12 giờ trưa.

Thời gian phượt Tây Hồ ngày thứ ba cũng khá hạn hẹp, hoặc bạn sẽ phải thương lượng với khách sạn, để gửi lại hành lý với một mức giá cho phép.

Mỗi làng làng nghề đều có một đình làng, hãy vào dâng hương, và khám phá những di tích cổ, những bảng sắc phong từ các đời vua chúa… để biết được ngôi đình này có từ bao giờ?

Quan trọng nhất vẫn là 2 công trình: phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc, nơi bạn có thể khám phá những nét kiến trúc độc đáo, cũng như tín ngưỡng dân gian của người bản địa.

Cuối cùng, hãy đến ăn trưa tại một trong 2 tuyến đường Thị Khuê, hoặc Yên Phụ, nơi có nhiều hàng quán với những món ăn ngon trứ danh, và khép lại hành trình phượt Tây Hồ của bạn.

Hoàng hôn bên hồ Tây

Chi phí phượt Tây Hồ

Tuy thuộc quận nội thành, nhưng chi phí ăn uống, thuê phòng, sinh hoạt tại đây không quá cao. Ngay cả vào những dịp lễ tết, thì giá thức ăn, đồ uống, chi phí thuê phòng cũng chỉ ở mức trung bình.

Tuy nhiên, chi phí gửi xe vào những dịp lễ lớn tại đây thường bị đội giá lên rất cao, nhưng đó không phải là vấn đề lớn so với hiện trạng chặt chém tại nhiều địa điểm du lịch ở ngoại thành Hà Nội.

Chi phí phượt Tây Hồ sẽ được tổng hợp bên dưới:

Ăn sáng: 30.000 – 50.000 đồng Công viên nước: 130.000 – 180.000 đồng
Ăn trưa + Ăn tối: 60.000 – 100.000 đồng Công viên Mặt trời: 80.000 – 100.000 đồng
Cafe: 25.000 đồng – 80.000 đồng Thung lũng hoa: 80.000 – 120.000 đồng
Thuê phòng: 300.000 – 1.000.000 đồng Bãi đá sồng Hồng: 50.000 đồng
Thuê xe đạp: 50.000 đồng/ 3 giờ Cắm trại: 300.000 đồng/ 6 giờ
Thuê xe máy + xăng: 200.000 đồng/ ngày Gửi xe máy: 10.000 đồng/ lượt

Mẹo tiết kiệm khi phượt Tây Hồ

  • Mang theo thẻ học sinh, sinh viên để được giảm giá vé vào.
  • Đi theo nhóm đông người, theo tour du lịch để tiết kiệm chi phí và được giảm giá.
  • Tham quan các địa điểm vào ngày không cao điểm như các ngày trong tuần, vừa tránh đông đúc, mức giá lại được giảm đáng kể.
  • Lựa chọn các quán ăn bên đường thay vì nhà hàng sang trọng.

Lời khuyên cho người đi phượt Tây Hồ

  • Trước khi phượt Tây Hồ, bạn nên xem dự báo thời tiết để có một chuyến tham quan thuận lợi, một ngày mưa sẽ hạn chế rất nhiều việc tham quan và vui chơi của bạn đấy.
  • Hãy nhớ bảo vệ cảnh quan tại các điểm tham quan, đặc biệt là các thung lũng hoa, bạn không nên ngắt hoa, bẻ cành để check-in nhé.
  • Bạn hãy nhớ mang theo vài bộ đồ khi tham quan công viên hồ Tây để tiện thay khi quần áo bị ướt hoặc bẩn.
  • Bên cạnh đó, nếu bạn muốn có nhiều bức hình đẹp với những bộ cánh khác nhau, bạn có thể mang theo đồ để thay. Tại các điểm tham quan vườn hoa luôn có nơi dành cho bạn thay đồ.

Cuối cùng, Siêu Phượt chúc bạn sớm có một chuyến phượt Tây Hồ đầy vui vẻ và lý thú.

Nguyễn Thị Lan Anh: (Anh Heydi) là một phượt thủ người Hà Nội, cô ấy có sở thích du ngoại đến những vùng đất mới, và tìm hiểu nếp sống, phong tục tập quán của người Việt trên khắp mọi miền đất nước. DONATE cho cô ấy qua: MOMO 0966166518 - MB BANK 0966166518