Chùa Hương là một quần thể công trình tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng nhất ở miền Bắc. Nơi đây nổi tiếng với những đền đài, chùa chiềng, hang động linh thiêng cùng vô số các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hãy cùng khàm phá địa điểm phượt chùa Hương trong chuyến du phượt Hà Nội lần này.
Lịch sử chùa Hương Hà Nội
Vào thế kỷ thứ XV, vua Lê Thánh Tông đã đi tuần thú và đóng quân tại vùng đất này. Vua nhận thấy nơi đây ứng vào vị trí của chòm sao Thiên Trù nên đã đặt tên vùng này là thung lũng Thiên Trù.
Ít lâu sau, có 3 vị hòa thượng đến nơi đây để lập am tu hành, các sư đặt tên am là “Thiên Trù Tự”, tức chùa Thiên Trù. Trong quá trình tu hành, các sư đã tìm ra động Hương Tích, và cái tên chùa Hương cũng xuất phát từ đây.
Tuy thành lập từ rất sớm, nhưng mãi đến thế kỷ thứ XVIII, chùa Hương mới thu hút được đông đảo tín đồ về đây dâng hương và góp sức xây dựng.
Nhiều hạng mục bắt đầu được khởi công xây dựng xuyên suốt 2 thế kỷ sau đó, và chùa Hương đã trở thành một trong những ngôi chùa lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ XX.
Trong giai đoạn người Pháp tái chiếm Đông Dương, nhiều hạng mục của chùa đã bị bom đạn phá hủy. Mãi đến năm 1984, chùa mới được trùng tu và xây dựng trở lại.
Hiện tại, quần thể chùa đã được phục dựng với nhiều khu đền chùa và hang động trải dài trên diện tích rộng gần 4.000 ha, trở thành địa điểm tham quan tâm linh tín ngưỡng hấp dẫn nhất thủ đô.


Thông tin hữu ích về chùa Hương
Chùa Hương thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 55km về phía Tây Bắc, Chùa là một quần thể rộng lớn với tổng diện tích hơn 5000 hecta.
Chùa mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ bảy, chủ nhật và dịp lễ tết, thời gian mở cửa từ 5:00 – 17:00 mỗi ngày. Mọi thay đổi về thời gian mở cửa tham quan đều được bạn quản lý chùa cập nhật nhanh chóng ở website: http://chuahuong.vn/
Giá vé tham quan chùa Hương:
- Vé thắng cảnh Chùa Hương: 80.000 đồng/người.
- Vé đò Chùa Hương: 50.000 đồng/người/ vé khứ hồi.
- Vé cáp treo dành cho người lớn: 180.000 đồng/vé khứ hồi.
- Vé cáp treo dành cho trẻ em: 120.000 đồng/vé khứ hồi.

Nên tham quan chùa Hương vào thời gian nào?
Nếu bạn thích không khí sôi động của mùa lễ hội, thì hãy đến chùa Hương vào dịp đầu xuân, từ 15 tháng giêng đến 15 tháng 2 âm lịch. Bạn cũng có thể đến chùa Hương vào cuối tháng 3 âm lịch để ngắm hoa gạo, hoặc ngắm hoa súng vào tháng 11 dọc quanh suối Yến.
Bạn nên hạn chế tham quan chùa Hương vào tháng 7, tháng 8, và tháng 9, vì những cơn mưa nặng hạt vào lúc này sẽ làm chuyến đi của bạn kém phần thú vị.


Cách di chuyển đến chùa Hương
Từ Hà Nội, phượt khách có thể đến chùa Hương bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô, taxi, xe buýt, xe khách,…
Phượt chùa Hương bằng xe máy, ô tô
Nếu di chuyển bằng xe máy từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển theo hướng Nguyễn Trãi – Hà Đông – Ba La – Vân Đình – Tế Tiêu đi tiếp tới bến Đục đi chùa Hương.
Nếu đi bằng ô tô, phượt khách đi theo hướng Quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Giẽ, đến nút giao Đồng Văn rẽ phải vào Quốc lộ 38, đi tiếp 15km theo hướng Chợ Dầu sẽ đến danh thắng chùa Hương.
Bên cạnh đó, bạn phượt có thể thuê xe máy hoặc ô tô với giá từ 120K/ngày với xe máy và 600K/ ngày với ô tô. Một số hãng xe bạn có thể lựa chọn như Motogo, cho thuê ô tô Văn Minh,…

Phượt chùa Hương bằng xe buýt
Nếu di chuyển bằng xe buýt, bạn bắt xe đi đến điểm Tế Tiêu, Mỹ Đức, Hà Nội, cách chùa Hương khoảng 15km, sau đó bắt taxi hoặc xe ôm đến bến Đục đi chùa Hương. Di chuyển bằng xe buýt trong lộ trình tham quan chùa Hương không được thuận tiện và mất rất nhiều thời gian, vì vậy phượt thủ nên đi xe máy, ô tô hoặc xe khách sẽ tiện lợi hơn. Một số tuyến buýt đến Tế Tiêu:
Tuyến buýt 211 lộ trình bến xe Mỹ Đình đi Tế Tiêu.
Tuyến buýt 78 lộ trình bến xe Mỹ Đình đi Tế Tiêu.
Ngoài ra, phượt khách có thể đi tuyến buýt 75 lộ trình bến xe Yên Nghĩa đi bến xe Hương Sơn, sau đó đi đò để vào chùa Hương.
Công trình kiến trúc đặc trưng của chùa Hương
Chùa Hương có rất nhiều công trình kiến trúc đền chùa như: chùa Thiên Trù, Chùa Bảo Đài, Chùa Hinh Bồng,… các công trình chùa trong động như động Tuyết Sơn, động Hương Tích, Hương Đài,… Tất cả sẽ được tóm gọn trong bản đồ tham quan này.

Chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù nằm không xa bến Trò (bến Thiên Trù), nơi du khách đi ngược suối Yến từ bến Đục đến thì xuống đò và đi bộ lên chùa. Chùa Thiên Trù ngày xưa rất rộng nhưng sau khi bị phá hủy, chùa được dựng lại nhỏ hơn chùa cũ.
Thiên Trù có các công trình theo lối kiến trúc thời Lê – Nguyễn như Tam Bảo, gác chuông, Bái đường, Hậu cung, cổng Nam Thiên Môn, nhà khách,… Giữa điện thờ Phật là bức tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá.


Chùa Giải Oan
Chùa Giải Oan nằm ở giữa đường từ chùa Thiên Trù đến Động Hương Tích. Chính điện thờ Phật, trong chùa còn thờ Chính Cung Điện Mẫu, Đức Mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu, và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ở chùa Giải Oan có giếng nước trong vắt gọi là “Thiên Nhiên Thanh Trì”, trước chùa là suối Chín Nguồn hay còn gọi là Suối Giải Oan.

Đền Trình
Đền Trình tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ có lối kiến trúc kiểu chữ “Tam” gồm hậu cung – đại bái – tiền đường theo lối kiến trúc thời Lê. Đền là nơi thờ vị thần tướng Quan Tư Mã Hùng Lang, người phò vua Hùng Vương thứ VI góp công đánh giặc Ân.
Các bức cốn đầu dư trong chùa được các nghệ nhân đục chạm tứ linh tứ quý rất tinh xảo. Ngoài sân đền có voi chầu bằng đá và tượng võ sĩ tạo nên một vẻ tôn nghiêm chốn cung đình.

Chùa Tiên Sơn
Chùa Tiên Sơn nằm trong động Tiên Sơn, núi Tiên. Trong chùa có 5 pho tượng được tạc bằng đá do những người thợ Kiện Khê (Hà Nam) đúc năm 1907.
Những pho tượng dựa trên truyền thuyết Bà Chúa Ba Diệu Thiện đắc đạo thành Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng Bà Chúa Ba nằm ở giữa, phía trước là người chị cả Diệu Thanh (Văn Thù Bồ Tát) cưỡi sư tử xanh và tượng người chị thứ hai Diệu Âm (Phổ Hiền Bồ Tát) cưỡi voi trắng . Phía sau là tượng cha và mẹ của Bà.

Động Hương Tích
Động Hương Tích là động đẹp nhất khu thắng cảnh Hương Sơn, hiện lên như một con rồng khổng lồ đang há miệng vờn ngọc. Động nằm trên núi Hương Tích, cách bến Thiên Trù hơn 2000m với độ cao 390m. Từ cửa đi xuống động có 120 bậc đá, trong động có những khối thạch nhũ vô cùng sinh động.
Động Hương Tích thờ Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh giữa Tam Bảo Động và các pho tượng bằng đồng khác thờ trên Tam Bảo Động do người dân công đức, trong hang còn có một chuông đồng lớn.

Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài
Chùa Thanh Sơn nằm bên suối nước từ Thung Luộn chảy ra suối Yến, cạnh là một động sâu vào lòng núi, được đặt tên là động Hương Đài. Trong chùa, thờ Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, thờ Mẫu, Thánh và các Thần. Ngay cuối hành lang của chùa chính sẽ có biển dẫn lối đến động Thanh Sơn. Động thờ Cô, thờ Cậu và một bàn thờ Tổ.
Đi sâu vào trong, ngay đầu hẻm núi là đền thờ Chúa bà Thượng Ngàn. Sau đó, bạn đi dọc lối mòn đến động Hương Đài nằm sâu bên trong. Động là nơi thờ tổ và thờ phật. Thường, động Hương Đài khá vắng khách, nếu đi vào ngày thường đôi khi chỉ có mình bạn trong hang động này.


Chùa Bảo Đài – động Tuyết Sơn
Tuyến Tuyết Sơn gồm chùa Bảo Đài và động Tuyết Sơn. Chùa Bảo Đài là nơi thờ phật, đi khoảng 1200m thì tới động Tuyết Sơn.
Động có 2 nhánh nhỏ: một nhánh là tam bảo thờ phật, trong vách đá có bức tượng phù điêu tạc bà quận chúa Ngọc Hương (Người mở ra động làm nơi thờ phật năm 1694). Nhánh động bên là điện thờ mẫu, thờ Cô, Cậu. Động Tuyết Sơn có nhiều nhũ đá đẹp được ví như “Ngọc Long Động”. Di tích thắng cảnh tuyến Tuyết Sơn xứng danh là cảnh “Kỳ Sơn Tú Thuỷ”.


Tuyến chùa Long Vân
Tuyến Long Vân nằm ở một nhánh của dòng suối Yến gồm: chùa Long Vân, động Long Vân và chùa Cây Khế. Qua eo núi chùa Long Vân sẽ đến được động Long Vân, trên cửa động bạn sẽ thấy dòng chữ “Long Vân Động”, trong động có tam bảo nhỏ để thờ phật.

Các hoạt động hấp dẫn tại chùa Hương
Hầu hết du khách đến chùa Hương để hành hương, dâng lễ cầu bình an, may mắn. Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn phượt muốn du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hương Sơn.
Dâng hương tại chùa Hương
Dâng hương là hoạt động tín ngưỡng quan trọng mà bạn nên thực hiện khi đến chùa Hương. Nơi đây là chốn linh thiêng, những lời nguyện cầu của bạn sẽ được linh ứng.
Bạn phượt có thể chuẩn bị đồ lễ từ nhà, hoặc mua gần khu vực suối Yến. Càng đi sâu vào trong lễ vật, càng nhiều những giá thành đắt đỏ, có thể gấp đôi ở ngoài.
Đến dâng hương tại các chùa, phượt khách chỉ được sắm lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản, xôi chè,…. Không được sắm sửa lễ mặn như cỗ tam sinh trâu, dê, lợn, gà, giò, chả,… Lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi.

Leo núi hành hương
Rời bến đò, du khách sẽ bắt đầu hành trình leo bộ hành hương lên các ngôi chùa và hang động. Trên chặng đường đó, các phượt thủ sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Hành trình về với cõi phật được thể hiện qua từng bước chân lên những nấc thang thể hiện cái tâm của mỗi người.

Đi Thuyền tham quan chùa
Đến với thắng cảnh Hương Sơn, bạn phượt có cơ hội ngồi trên những chuyến đò, một thú vui tao nhã, vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.

Khám phá hang động
Chùa Hương có rất nhiều hang động sâu hun hút. Bên cạnh những không gian đã được khai phá, phượt thủ hoàn toàn có thể chinh phục các động ở sâu hơn, nhưng hãy đảm bảo sự an toàn cho bản thân trong những chuyến khám phá bạn nhé!

Đi cáp treo tham quan danh thắng chùa Hương
Một hoạt động rất thú vị tại chùa Hương chính là đi cáp treo và ngắm cảnh non nước hữu tình. Tuyến cáp treo dài 1200m với 7 trụ và 2 nhà ga là ga Thiên Trù và ga Hương Tích . Từ cáp treo, du khách có thể ngắm toàn cảnh chùa Hương từ trên cao. Tần suất mỗi chuyến cáp treo là 7 phút/ lượt.

Check in
Đến với thắng cảnh này, du khách có vô vàn không gian chụp ảnh đẹp mắt. Trong đó, phải kể đến chụp ảnh hoa súng trên suối Yến, check in vẻ đẹp kỳ thú động Hương Tích, chụp hình trong rừng mơ Hương Tích,…

Lễ hội chùa Hương có gì?
Lễ hội Chùa Hương là lễ hội lớn nhất thủ đô, diễn ra từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, đỉnh cao của lễ hội là từ 15 tháng Giêng đến 18 tháng hai âm lịch.
Phần lễ chùa Hương
Trong phần lễ có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, quả, đèn, nến và thức ăn chay được các vị tăng ni phật tử thực hiện rất linh thiêng. Trong đó có một số ngày lễ như:
- Ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch là khai hội
- Ngày khánh đản Bồ Tát Quán Thế Âm 19 tháng 2 âm lịch.

Phần hội chùa Hương
Lễ hội chùa Hương là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân với các hoạt động như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn, thả đèn hoa đăng,…

Phượt chùa Hương, nghỉ ở đâu?
Gần khu vực suối Yến và khu vực bến đò chùa Hương có rất nhiều nhà nghỉ bình dân cho du khách lựa chọn. Một số khách sạn, nhà nghỉ mình muốn gợi ý cho bạn:
Nhà Nghỉ Tích Lợi
Nhà nghỉ nằm ngay bến xe Yến Vỹ, đường đi vào đền Trình, thuận tiện cho du khách về trẩy hội chùa Hương. Nhà nghỉ được đánh giá phục vụ chu đáo nhiệt tình, có chỗ gửi xe, phục vụ ăn uống, xuồng đò chở khách. Giá phòng từ 300K/đêm.


Nhà nghỉ Đức Hường
Nhà nghỉ nằm gần Bến đò Yến – chùa Hương, vị trí thuận lợi cho du khách đi trẩy hội. Nhà nghỉ được đánh giá rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi, quản lý nhiệt tình, đồ ăn vừa tươi, ngon lại rẻ, không có hiện tượng chặt chém như nhiều chỗ khác. Giá phòng từ 300K/ phòng/đêm.


Mai Lâm Hotel
Khách sạn nằm ngay bến đò đi chùa Hương vô cùng thuận tiện cho du khách. Mai Lâm là khách sạn sang trọng, không gian đẹp, thoáng mát, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những phút nghỉ dưỡng thoải mái. Giá phòng từ 990K/ ngày.


Đặc sản chùa Hương
Khi du lịch chùa Hương, du khách có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản sau:
Chè củ mài: chè được nấu sánh, dẻo có màu trắng đục, vị thơm ngon, thanh mát giúp du khách giải khát sau chuyến hành hương dài.

Bánh củ mài: bánh củ mài có hương vị ngọt ngào, thanh mát, được tách thành những khối nhỏ, thường được phượt khách mua về làm quà biếu.

Chè lam: Chè lam là thức quà vặt khá nổi tiếng với người dân miền Bắc. Chè có màu nâu được phủ bên ngoài một lớp bột trắng. Món quà vặt này có vị khá ngọt nên thường được dùng nhâm nhi với ly trà ấm nóng.

Mơ: mơ là một đặc sản chùa Hương mà bạn không thể bỏ qua. Mơ có vị chua nhẹ đan xen cùng vị ngọt đặc trưng, ăn giòn rồm rộp rất ngon. Bạn có thể mua mơ nhâm nhi trên các chuyến đò hoặc mua về làm quà cho người thân.

Một số nhà hàng quanh khu vực chùa Hương
Quanh khu vực chùa Hương có rất nhiều nhà hàng. Nhưng để lựa chọn được nhà hàng chất lượng và giá cả phải chăng thì không phải dễ. Sau đây là một số nhà hàng được đánh giá cao mà Siêu Phượt muốn gợi ý cho bạn.
Nhà hàng Mai Lâm
Nhà hàng nằm ở vị trí trung tâm của khu du lịch tâm linh chùa Hương, thuộc sân chùa Thiên Trù. Nơi đây phục vụ cơm và phở cho du khách với rất nhiều món ăn đa dạng như thịt gà, thịt lợn rừng, cá, nộm, rau,… Giá cả từ 70K/đĩa hoặc 100K/ suất.


Nhà đò Tuấn Hằng
Nhà đò nằm ở 208B Bến Yến, Yến Vỹ, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội với các món cơm bình dân đa dạng như cá, bò, dê, gà, rau, xôi…phục vụ du khách với mức giá cũng khá phải chăng. Đồng thời, nhà đò cũng cung cấp dịch vụ du lịch chùa Hương trọn gói từ ăn uống đến đi đò, chụp ảnh,… vô cùng thuận tiện cho phượt khách đi trẩy hội.


Nhà hàng Quyết Thắng
Nhà hàng nằm ngay sân Thiên Trù với các món cơm, phở, các món ăn từ gà, thịt thú rừng, bò, bê, dê với mức giá từ 80K/ suất.


Lưu ý khi tham quan chùa Hương
- Mặc quần áo lịch sự khi đi lễ chùa.
- Bảo quản, giữ gìn đồ đạc cá nhân cẩn thận.
- Chuẩn bị đồ ăn uống để có một chuyến hành hương thuận lợi
- Du khách có thể trả giá khi mua hàng để tránh bị “chặt chém”.
- Để rác đúng nơi quy định.
- Lưu ý khi mua thuốc nam, thuốc bắc chữa bệnh dọc tuyến đường đi vào chùa Hương vì nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Những thông tin mới nhất về chùa Hương sẽ được cập nhật liên tục trên Blog Siêu Phượt. Hãy theo dõi Blog thường xuyên để cập nhật thêm nhiều địa điểm phượt hấp dẫn khác tại Hà Nội bạn nhé!
- Cẩm Nang Phượt Chùa Hương Hà Nội - October 16, 2022
- Cùng Phượt Làng Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam - July 21, 2022
- Khám Phá Vẻ Đẹp Đền Quán Thánh Hà Nội - July 1, 2022
Bình Luận