Cẩm Nang Phượt Nhà Cổ Bình Thủy (2023)

Nhà cổ Bình Thủy là một trong những ngôi nhà cổ lâu đời nhất của vùng đất Tây Đô với niên đại trên 100 năm. Hãy cùng Siêu Phượt khám phá địa danh Nhà cổ Bình Thủy trong chuyến đi phượt Cần Thơ lần này nhé. 

Lịch sử nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy thuộc sở hữu của gia tộc Họ Dương ở Cần Thơ. Ngôi nhà được xây dựng lần đầu vào năm 1870, dùng cho việc thờ cúng tổ tiên.

Đến năm 1904, ngôi nhà được trùng tu và tái cấu trúc với quy mô to lớn bậc nhất khu vực lúc bấy giờ. Sau 7 năm trùng tu và xây dựng, “Nhà thờ họ Dương” hoàn thiện vào năm 1911 với cấu trúc ngôi nhà như hiện nay.

Ảnh xưa Nhà cổ Bình Thủy (sưu tầm)
Ảnh xưa Nhà cổ Bình Thủy (sưu tầm)

Một điều đặc biệt là cấu trúc ngôi nhà gần như còn nguyên vẹn sau 2 cuộc chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam. Vào những năm 1980, ngôi nhà cổ còn được biết đến với cái tên “vườn lan Bình Thủy”. Nơi đây đã từng là địa điểm gặp gỡ của những người có thú vui về lan và cây cảnh với nhiều giống cây quý hiếm.

Nhà cổ Bình Thủy được xếp vào hàng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2009. Tên gọi “nhà cổ Bình Thủy” cũng được phổ biến kể từ đó, và được nhiều du phượt khách ghé thăm khi đi phượt đến Cần Thơ. 

Chứng nhận Di tích quốc gia của nhà cổ Bình Thủy (bản cũ)
Chứng nhận Di tích quốc gia của nhà cổ Bình Thủy (bản cũ)

Tổng quan về nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy là một trong 70 căn nhà cổ có tuổi đời lâu nhất tại thành phố Cần Thơ, nơi đây từng được chọn làm cảnh quay của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Công tử Bạc Liêu, Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô…

Ngôi nhà cổ nằm theo hướng đông tây, được xây dựng với tổng diện tích là 6000m2, tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy với nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn.

Nhà cổ Bình Thủy nhìn từ trên cao
Nhà cổ Bình Thủy nhìn từ trên cao

Nhà cổ là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Tây Phương và Á Đông, với kiến trúc ngôi nhà và phòng khách được bài trí và xây dựng theo phong cách Âu Châu, nhưng gian thờ lại mang phong cách truyền thống Việt Nam.

Ngoài gian nhà chính, phượt khách đến đây còn được chiêm ngưỡng vườn lan Bình Thủy độc đáo với nhiều loại thực vật, giống hoa lan quý hiếm.

Quán cà phê Vườn Lan nằm kế bên gian nhà chính là địa điểm dừng chân để nghỉ ngơi dành cho phượt khách sau khi tham quan nhà cổ và vườn lan.

  • Giá vé tham quan nhà cổ Bình Thủy: 15.000đ/khách. 
  • Giờ mở cửa: buổi sáng (8:00 – 12:00), buổi chiều (14:00 – 18:00)

Nên phượt nhà cổ Bình Thủy vào thời điểm nào?

Thời điểm tốt nhất để tham quan nhà cổ Bình Thủy là vào tháng 1 – tháng 4, vì thời tiết lúc này vô cùng mát mẻ, lại được ngắm nhiều loại hoa lan quý hiếm đang trong mùa sinh trưởng tại đây.

Du khách nên hạn chế đi nhà cổ vào tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Bởi vì những cơn mưa nặng hạt của tháng này sẽ làm chuyến tham quan của bạn trở nên vô vị

Những tháng còn lại trong năm đều có mưa ít, vì vậy bạn có thể yên tâm tham quan nhà cổ mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết.

Quang cảnh nhà cổ Bình Thủy mùa khô
Quang cảnh nhà cổ Bình Thủy mùa khô

Phượt nhà cổ Bình Thủy bằng phương tiện nào?

Hãy đảm bảo rằng bạn đã đến Cần Thơ, và đang có mặt ở sân bay, hay bến xe ở trung tâm thành phố. Tại đây, có rất nhiều phương tiện mà du khách có thể lựa chọn để di chuyển đến địa danh Nhà cổ Bình Thủy như xe máy, ô tô, xe bus kết hợp xe ôm…

Phượt nhà cổ Bình Thủy bằng xe buýt

Hệ thống xe buýt tại Cần Thơ rất hiện đại, thường xuyên cập nhật các tuyến xe buýt để phục vụ cho khách du lịch, vì vậy phượt khách có thể yên tâm chọn xe buýt trong chuyến tham quan nhà cổ Bình Thủy của bạn.

Nếu bạn đang ở sân bay Cần Thơ, cần phải di chuyển 3km để đến trạm xe bus. Sau đó hãy bắt tuyến xe số 01 để di chuyển đến trạm xe buýt 27/12 đường Lê Hồng Phong với mức giá là 7.000 đồng. Tại đây du khách có thể bắt xe ôm để di chuyển đến Nhà cổ Bình Thủy với khoảng 7 phút đi đường. 

Nếu khởi hành từ bến xe Cần Thơ, bạn cần phải bắt tuyến xe buýt số 04 đi đến trạm số 02 đường Lý Tự Trọng với khoảng 7 phút đi đường (giá vé là 7.000 đồng). Sau đó, bạn tiếp tục bắt tuyến xe buýt số 01 để đi đến điểm dừng gần nhà cổ Bình Thủy,  xe chạy mất 23 phút với giá vé là 7.000 đồng. Bạn xuống trạm này đi bộ khoảng 7 phút là đến.

Xe bus tuyến số 01 tại Cần Thơ
Xe bus tuyến số 01 tại Cần Thơ

Phượt Nhà cổ Bình Thủy bằng xe cá nhân, xe ôm, taxi.

Trung tâm thành phố Cần Thơ có rất nhiều địa điểm cho thuê xe máy, ô tô uy tín, bạn có thể  liên hệ một số khách sạn hoặc nhà nghỉ để hỏi về dịch vụ thuê xe. Một số địa điểm cho thuê xe mà bạn có thể tham khảo như: Đông Hà, Sampan House, Anh Vũ Motel…

Giá thuê xe máy dao động từ 110.000 – 160.000 đồng/ ngày. Sau khi đã có xe máy thì việc bạn cần làm là bật Google Maps để dò đường đến nhà cổ Bình Thủy mà thôi. 

Ngoài ra, bạn còn có thể bắt taxi hoặc xe ôm công nghệ đến Nhà cổ Bình Thủy. Các hãng xe ôm công nghệ hiện nay hầu như đều đã có mặt ở nẻo đường thành phố Cần Thơ. 

Nhà cổ Bình Thủy cách sân bay Cần Thơ khoảng 5km, và cách bến xe trung tâm Cần Thơ khoảng 11km, vì thế bạn sẽ không cần phải lo lắng về thời gian di chuyển.

  • Giá di chuyển đến nhà cổ bằng xe ôm dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/ km
  • Giá di chuyển đến nhà cổ bằng taxi dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/ km
Phượt nhà cổ Cần Thơ bằng xe máy
Phượt nhà cổ Cần Thơ bằng xe máy

Kiến trúc bên ngoài nhà cổ Bình Thủy?

Để vào được nhà cổ Bình Thủy, bạn sẽ phải đi qua một cổng rào. Sau cổng rào sẽ là một khuôn viên bao gồm cổng chào, hòn non bộ, cầu thang bắt lên nhà chính…

Kiến trúc cổng tam quan

Hầu hết các lối vào nhà cổ Bình Thủy đều được xây dựng theo cấu trúc cổng tam quan, từ cổng rào, cổng chào cho đến cửa ra vào…

Cổng rào làm bằng thép, được thiết kế theo phong cách hiện đại, gồm 4 cột bê tông xen kẽ 3 lối đi, lối đi chính ở giữa sẽ lớn hơn lối đi 2 bên.

Cổng rào nhà cổ Bình Thủy
Cổng rào nhà cổ Bình Thủy

Cổng chào được thiết kế theo phong cách truyền thống của người Á Đông, gồm 4 cột tạo thành một lối đi chính ở giữa xen kẽ 2 khe hẹp. Hai cột bên trong làm bằng gỗ, hai cột bên ngoài đúc bằng bê tông. Phía trên là mái ngói được lợp bằng men xanh với họa tiết kỳ lân, cá vàng… Bảng hiệu được bố trí ở giữa với dòng chữ quốc ngữ “Phủ Thờ Họ Dương”.

Cổng chào của nhà cổ Bình Thủy
Cổng chào của nhà cổ Bình Thủy

Cửa vào nhà trước được thế kế theo phong cách Hy Lạp, La Mã, vốn thịnh hành ở nhiều nước châu Âu vào đầu thế kỷ XX. Cửa vào gồm 1 bộ 3 cửa chính nằm ở giữa, 1 bộ 1 cửa phụ và 2 cửa sổ nằm đối xứng 2 bên, 1 cửa phụ đơn chiết nằm ở đối xứng ở gian ngoài cùng. Họa tiết trên cửa lần lượt là chùm nho, con sóc, cành hoa lá…

Cửa vào trung tâm nhà cổ Bình Thủy
Cửa vào trung tâm nhà cổ Bình Thủy

Cầu thang bắt lên nhà chính

Có tổng cộng 4 cầu thang bắt lên nhà trước, 2 cầu thang ngắn nằm ở 2 gian ngoài cùng, 2 cầu thang hình vòng cung bắt lên cửa chính ở giữa, tất cả đều được xây dựng vào thời Pháp.

Cầu thang nhà cổ Bình Thủy
Cấu trúc cầu thang hình vòng cung độc đáo

Hòn non bộ

Hòn non bộ nằm ở bên tay trái cổng chào, đối diện nhà chính. Hòn cao khoảng 4m, được trang trí như một quả núi thu nhỏ, dưới hồ có nuôi bầy cá kiểng.

Hòn non bộ nhà cổ Bình Thủy
Hòn non bộ nhà cổ Bình Thủy

Vườn lan Bình Thủy

Vườn lan Bình Thủy được dựng lên bởi ông Ngôn, chủ nhân đời thứ 5 của gia tộc họ Dương tại đây, ông có thú vui sưu tầm những loại cây quý hiếm. Những loài thực vật hiếm đã được ông mang về chăm sóc, nhân giống… tạo thành một vườn lan độc nhất. Vườn lan đã trở thành một trong những địa điểm check-in hot nhất khi tham quan nhà cổ Bình Thủy.

Vườn lan Bình Thủy
Vườn lan Bình Thủy

Cà phê vườn lan 

Khi vừa bước vào cổng chào, thì trước mặt bạn sẽ là quán cà phê vườn lan. Cà phê vườn lan là địa điểm nghỉ ngơi dành cho phượt khách đến tham quan nhà cổ Bình Thủy. 

Trong quán cà phê vườn lan có bán cà phê, sinh tố cùng nhiều loại nước ngọt khác, và đặc biệt nơi đây có một cây xương rồng Mexico khổng lồ 50 năm tuổi, cao hơn 10m vô cùng quý hiếm.

Cà phê vườn lan Bình Thủy 
Quán cà phê vườn lan

Bên trong nhà cổ Bình Thủy có gì?

Nhà cổ Bình Thủy là một tập hợp nhiều gian nhà, mỗi gian nhà đều có một chức năng riêng, là nơi tiếp khách, thờ cúng hoặc trưng bày các hiện vật cổ. 

Nhà trước Nhà Cổ Bình Thủy 

Nhà trước (gồm có 5 gian) thường được dùng để tiếp khách trong các dịp lễ trang trọng. Trong nhà có 3 bộ bàn ghế với 3 chức năng riêng biệt. Một bộ dùng để tiếp khách, bộ thứ 2 để thưởng thức bữa ăn cùng nhau, và bộ cuối cùng là để ngồi trò chuyện, tán gẫu với khách tham quan. 

Bên phải nhà trước được trang trí 2 cặp bình hoa to lớn. Trên tường treo đầy những danh hiệu, cùng nhiều bằng khen danh giá. Trong khi đó, bên trái gian nhà trước là những tấm ảnh lưu niệm từ các bộ phim nổi tiếng, vài dòng ký gửi của đạo diễn và một vài tờ báo viết về nhà cổ Bình Thủy. 

Góc nhỏ của nhà trước Nhà Cổ Bình Thủy
Góc nhỏ của nhà trước Nhà cổ Bình Thủy
Những bằng khen danh giá dành cho ngôi nhà cổ
Những bằng khen danh giá dành cho ngôi nhà cổ

Nhà giữa Nhà Cổ Bình Thủy

Nhà giữa gồm có 5 gian, trong đó 3 gian dùng để thờ cúng, 2 gian còn lại dùng để nghỉ ngơi. Giữa nhà được bày biện theo phong cách truyền thống của người Nam Bộ bao gồm: bộ bài bị, lư hương, đèn… cùng những chạm khắc độc đáo theo lối cổ xưa. 

Nơi đây cũng hội tụ rất nhiều cổ vật quý giá được sưu tầm bởi gia tộc họ Dương như: bộ bàn ghế đá cẩm thạch từ Vân Nam, bộ sa-lông Pháp (thời Louis), tách chén từ thời Minh – Thanh và cặp đèn treo (thế kỷ XIX).

Bộ đèn, bài hương trong Nhà Cổ Bình Thủy
Bộ đèn, bài hương trong Nhà Cổ Bình Thủy
Bộ bàn ghế cổ tại nhà thờ họ Dương
Bộ bàn ghế cổ tại nhà thờ họ Dương
Chiếc điện thoại cổ của nhà họ Dương
Chiếc điện thoại cổ của nhà họ Dương
Bộ đồ sứ được trưng bày tại nhà cổ Bình thủy
Bộ đồ sứ được trưng bày tại nhà cổ Bình thủy
Chai rượu vang cùng với những chiếc ly quý giá
Chai rượu vang cùng với những chiếc ly quý giá

Nhà sau nhà cổ Bình Thủy 

Nhà sau nhà cổ Bình Thủy vốn là một gian nhà nhỏ ở phía sau cùng của ngôi nhà. Nơi đây có lưu giữ một số ít cổ vật, và cũng là nơi sinh hoạt của gia đình, từ nhà giữa sẽ có 2 lối đi thông với nhà sau. Nhà sau có một lối đi ra ngoài, bên ngoài cũng trồng lan và một số ít cây cảnh.

Một góc nhà sau nhà cổ Bình Thủy
Một góc nhà sau nhà cổ Bình Thủy

Những dịch vụ bên trong nhà cổ Bình Thủy

Bên trong nhà cổ Bình Thủy thường tổ chức các buổi đàn ca tài tử truyền thống của Nam Bộ. Tuy nhiên, đây là dịch vụ có tính phí, thường được tổ chức để phục vụ cho những nhóm du lịch lớn trong và ngoài nước nếu họ có nhu cầu.

Đàn ca tài tử bên trong nhà cổ Bình Thủy
Đàn ca tài tử bên trong nhà cổ Bình Thủy

Phượt nhà cổ Bình Thủy nên nghỉ ở đâu?

Nhà cổ Bình Thủy là địa điểm du lịch trong ngày, do vậy sẽ không có nhiều điểm dừng chân ở quanh đây. Một số nhà nghỉ, khách sạn tốt nhất khu vực này là:

Khách sạn Soda House Homestay Cần Thơ 

Khách sạn Soda House Homestay Cần Thơ nằm cách nhà cổ Bình Thủy khoảng 1.8 km. Lối thiết kế đơn giản cùng với không gian yên tĩnh mang lại cho phượt khách một cảm giác yên bình và thư giãn. Phòng ốc tương đối sạch sẽ, với giá cả vô cùng bình dân, chỉ khoảng 280.000đ/ngày.

Khách sạn Soda House Homestay Cần Thơ
Khách sạn Soda House Homestay Cần Thơ
Vị trí khách sạn Soda House Homestay
Vị trí khách sạn Soda House Homestay

Hostel Can Tho Riverside 

Hostel Can Tho Riverside nằm cách nhà cổ Bình Thủy 3,2 km, Hostel Can Tho Riverside luôn là lựa chọn dành cho những phượt khách thích trải nghiệm điều mới mẻ và độc lạ. Phòng ốc ở đây sạch sẽ, đầy đủ thiết bị hiện đại, giá phòng cũng tương đối mềm, chỉ khoảng 220.000đ- 250.000đ/ ngày.  

Hostel Can Tho Riverside 
Hostel Can Tho Riverside
Vị trí Hostel Can Tho Riverside 
Vị trí Hostel Can Tho Riverside 

Một số nhà hàng, quán ăn gần nhà cổ Bình Thủy

Bên cạnh việc lựa chọn những khách sạn giá rẻ, du khách có thể tìm cho mình một số nhà hàng, quán ăn gần nhà cổ Bình Thủy, chẳng hạn như là: 

Nhà hàng Đông Dương Sứ Quán 

Nhà hàng Đông Dương Sứ Quán cách nhà cổ Bình Thủy khoảng 2km, nổi tiếng với các đặc sản của miền tây như gỏi, lẩu cá măng, mực nướng,… Không gian tại đây thoáng mát, sạch sẽ, giá cả cũng vừa túi tiền.

Nhà hàng Đông Dương Sứ Quán 
Nhà hàng Đông Dương Sứ Quán
Vị trí nhà hàng Đông Dương Sứ Quán 
Vị trí nhà hàng Đông Dương Sứ Quán

Quán Ăn Gia Đình Ngày Mới

Quán cách nhà cổ Bình Thủy khoảng 3,9km, nằm gần khách sạn Anh Thiên với chỉ 50m đi bộ. Quán ăn nổi tiếng với các món ăn độc đáo như lẩu dê, gỏi chua, cá chiên sả ớt,.. và nhiều loại bia với giá phải chăng. 

Quán Ăn Gia Đình Ngày Mới
Đường vào Quán Ăn Gia Đình Ngày Mới
Vị trí quán Ăn Gia Đình Ngày Mới
Vị trí quán Ăn Gia Đình Ngày Mới

Những lưu ý khi tham quan nhà cổ Bình Thủy 

  • Bạn nên ăn mặc lịch sự, nhớ cởi giày và gỡ nón khi bước vào nhà cổ. 
  • Bạn có thể tự do chụp hình, nhưng nếu ghi hình chuyên nghiệp thì nên xin phép gia chủ.
  • Hãy cẩn thận khi tiếp xúc những cổ vật, vì chúng là vật dễ vỡ và có giá trị. 
  • Tổng thời gian tối đa phượt khách có thể tham quan tại nhà cổ Bình Thủy là 30 – 60 phút.
  • Nhớ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi tham quan trong khuôn viên nhà cổ. 
Trần Phú Hào
Theo dõi tôi

Bình Luận