Làng văn hóa dân tộc được xem là trung tâm văn hóa – du lịch, khu vui chơi giải trí bậc nhất huyện Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây quy tụ rất nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng của các đồng bào người thượng đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Hãy cùng khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp làng văn hóa trong chuyến du phượt Hà Nội lần này.
Tổng quan làng văn hóa dân tộc Việt Nam
Làng văn hóa dân tộc Việt Nam nằm ở địa phận huyện Ba Vì, cách trung tâm thủ đô khoảng 40km về phía Tây. Làng có diện tích 1544 hecta, được chia làm 7 khu vực chức năng riêng biệt.
Trong đó, nổi tiếng nhất là các cụm làng người dân tộc, nơi có những công trình kiến trúc độc đáo như: tháp Chăm, chùa Khmer, nhà sàn dân tộc Tây Nguyên,..
Khi đến tham quan làng văn hóa, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng người thượng đang sinh sống tại đây. Ngoài ra, bạn còn được thưởng thức ẩm thực miền cao, giao lưu văn nghệ, tham gia chợ phiên, và trải nghiệm cảm giác ngủ một đêm tại nhà của người dân tộc.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tham gia nhiều hoạt động truyền thống khác như: làm tò he, chong chóng, chơi các trò chơi dân gian…
Sau đây là giá vé tham quan làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam:
- Người lớn: 30.000 đồng/người/lượt.
- Sinh viên, học viên: 10.000 đồng/người/lượt.
- Trẻ em, học sinh: 5.000 đồng/người/lượt
Thời gian mở cửa: Thứ Hai đến Chủ Nhật, từ 8h00 – 16h30.

Cách di chuyển đến làng văn hóa dân tộc
Làng văn hóa dân tộc là điểm đến nổi tiếng nên có rất nhiều cách thức di chuyển. Bạn có thể chọn phương tiện cá nhân hoặc công cộng đều khá thuận tiện. Trong khu du lịch cũng có các phương tiện hỗ trợ du khách trong việc tham quan.
Phương tiện di chuyển đến làng văn hóa dân tộc
Xe buýt
Xe buýt là phương tiện công cộng rất phổ biến ở Hà Nội. Trong đó, tuyến xe buýt 107 là tuyến xe được lựa chọn để đi thẳng đến làng văn hóa dân tộc. Lộ trình của tuyến buýt này xuất phát từ bến xe Kim Mã, đi dọc theo đại lộ Thăng Long đến điểm cuối chính là Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thời gian di chuyển mất khoảng 1 giờ 30 phút, tần suất 20 phút/chuyến và giá vé là 9.000 đồng.


Phương tiện cá nhân
Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, bạn sẽ đi hết đại lộ Thăng Long, sau đó đi thêm khoảng 8km nữa sẽ đến làng.
Nếu không có xe máy hoặc ô tô, bạn có thể thuê các phương tiện này với giá lần lượt là 200.000 đồng /ngày đối với xe máy, và 500.000 – 800.000 đồng/ngày với xe ô tô. Phượt khách có thể thuê xe tại khách sạn hoặc liên hệ một số trung tâm uy tín như: Hanoi Motor Tour, MOTOGO, OtoVina…

Phương tiện di chuyển bên trong làng văn hóa dân tộc
Xe điện
Nhằm nâng cao trải nghiệm tham quan, ban quản lý đã cung cấp dịch vụ xe điện với quy mô 20 chiếc phục vụ khách tham quan từ 8h-17h hàng ngày. Du lịch bằng xe điện sẽ giúp du khách có những trải nghiệm tham quan vui vẻ, dễ chịu và thoải mái. Bạn có thể tùy chọn điểm đến hoặc đi theo tour rất tiện lợi và nhanh chóng.
Giá vé:
- Người lớn: 45.000 đồng/vé.
- Học sinh, sinh viên, người cao tuổi, thương binh: 25.000 đồng/vé.
- Trẻ em dưới 1m: Miễn phí.

Với khuôn viên trong lành, thoáng đãng và mát mẻ, các điểm đến cũng không quá xa nhau, việc lựa chọn tham quan bằng xe đạp cũng rất phù hợp cho du khách. Bạn vừa có thể ngắm cảnh, tham gia các hoạt động vui chơi, lại vừa vận động cơ thể giúp khỏe khoắn hơn.
Giá vé:
- Thuê xe đơn 1 ngày: 50.000 đồng/xe/ngày
- Thuê xe đôi 1 ngày: 70.000 đồng/xe/ngày.

Nên phượt làng văn hóa dân tộc vào lúc nào?
Thời điểm tuyệt vời nhất để tham quan Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam là vào dịp đầu xuân hoặc tháng 4, tháng 5, vì hầu hết các lễ hội văn hóa truyền thống của người thượng đều diễn ra vào thời gian này.
Du khách nên hạn chế tham quan vào mùa mưa lũ tháng 7, tháng 8 vì thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng đến chuyến tham quan, cũng như nhiều hoạt động tại làng sẽ không được tổ chức.
Khám phá làng văn hóa dân tộc
Làng văn hóa dân tộc có diện tích 198.6 hecta bao gồm nhiều phân khu, hội tụ các nền văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc anh em.

Khu di sản văn hóa Việt Nam
Khu di sản Việt Nam bao gồm 4 cụm làng:
Cụm làng I
Cụm làng I là khu vực rộng lớn và có quy mô nhất trong tất cả các cụm làng. Nơi đây có nhiều công trình văn hóa – cảnh quan đặc trưng của 28 dân tộc vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ, tiêu biểu là dân tộc: H’Mông, Mường, Nùng, Thổ Tày,…
Bên cạnh việc tham quan các ngôi nhà của người dân tộc, trải nghiệm chợ phiên vùng cao, bạn còn được thưởng thức tiếng khèn gọi bạn tình của các chàng trai trẻ người H’Mông, điệu múa xòe của người Thái, và hát Then của người Tày.
Một số trò chơi dân gian tại cụm làng I gồm có: ném còn, đu quay bập bênh, nhảy sạp, đi cà kheo, giã gạo…




Cụm làng II
Cụm làng II là không gian văn hóa của 18 dân tộc sinh sống ở vùng Nam Trung Bộ và Trường Sơn – Tây Nguyên như: Ê Đê, Gia Lai, Tà Ôi, Xơ Đăng, Ba Na,…
Điểm đặc biệt ở cụm làng II là những mái nhà Rông cao vút đại diện cho nét kiến trúc đặc trưng của Tây Nguyên, bên cạnh đó còn có các ngôi nhà thuộc chế độ mẫu hệ xưa.
Một công trình kiến trúc nổi bật khác phải kể đến là “Vườn Tượng Nhà Mồ Tây Nguyên”, nơi trưng bày hơn 100 tác phẩm điêu khắc gỗ nhà mồ của các nghệ nhân, thể hiện rõ văn hóa Tây Nguyên trong từng đường nét.
Ngoài ra, du phượt khách còn được hòa mình vào điệu múa cồng chiêng và múa xoang rộn ràng của người thượng tại nơi đây.



Cụm làng III
Cụm làng III tái hiện không gian văn hóa của 4 dân tộc Chăm, Khmer, Chơ Ro và Chu Ru với 2 công trình kiến trúc vô cùng hoành tráng là Tháp Chăm và Chùa Khmer.
Chùa Khmer hiện có hơn 400 công trình trên khắp cả nước, nhưng quần thể chùa Khmer tại làng văn hóa được xem là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất tại Việt Nam. Ngôi chùa có diện tích 0.8 hecta, được xây dựng theo kiến trúc của chùa Khleang ở tỉnh Sóc Trăng.
Toàn bộ quần thể chùa nổi bật với phông màu vàng óng ánh, tạo cho phượt khách cảm giác như mọi thứ xung quanh đều được dát vàng. Bên trong chánh điện là bức tượng Đức Phật Thích Ca ngồi trên đài sen, bên dưới là các hàng đệ tử của ngài, hai bên tả hữu là những bức phù điêu nói về cuộc đời của đức phật.
Ngôi chùa hiện đang là địa điểm sinh hoạt tôn giáo của toàn thể đồng bào dân tộc Khmer tại Hà Nội.

Tháp Chăm ở Việt Nam cũng chỉ còn khoảng 20 công trình, tập trung chủ yếu ở Bình Định, vốn là kinh đô của người Champa vài thế kỷ trước. Tháp Chăm tại làng văn hóa có diện tích là 4000m², được thiết kế dựa theo kiến trúc của tháp Poklong Garai ở Ninh Thuận. Quần thể tháp Chăm được xây dựng thủ công bằng gạch mài chập, kết dính bằng nhựa cây.
Ngọn tháp nằm trên một quả đồi, gồm có 4 công trình tiêu biểu là: tháp Kalan, tháp Kosaghara, tháp Gopura và sân lễ hội. Đây cũng là một trong những địa điểm tổ chức lễ hội Katê truyền thống của người Champa, với quy mô lớn nhất cả nước.

Bên cạnh đó, phượt khách còn có thể tham quan nhà triển lãm làng III với hai không gian chính là: không gian biển đảo – nơi trưng bày 21 phiến đá san hô được lấy từ các đảo trên quần đảo Trường Sa, và không gian trưng bày hiện vật của các dân tộc Khmer, Champa.
Cụm làng IV
Cụm làng IV bao gồm các công trình văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Ngái, Sán Dìu. Đây là cụm làng đang được xây dựng, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều công trình kiến trúc đặc sắc.


Khu di sản văn hóa thế giới
Khu di sản văn hóa thế giới dự kiến xây dựng với diện tích 46.5 hecta, bao gồm các công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới như Vạn Lý Trường Thành, Tháp Eiffel, Kim tự tháp Ai Cập… Khu tham quan này đang trong giai đoạn lên kế hoạch và triển khai. Trong tương lai, nơi đây hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một khu trải nghiệm văn hóa thế giới tuyệt vời.
Khu trung tâm vui chơi giải trí
Khu trung tâm vui chơi giải trí có diện tích 125.22 hecta, nằm ở vị trí trung tâm, trải rộng trên nhiều gò đồi và mặt nước hồ Đồng Mô.
Đây chính là khu trung tâm văn hóa giải trí đa chức năng với các hạng mục như khu công viên; trung tâm hoạt động thể thao; trung tâm nghỉ dưỡng và phục hồi sức khỏe; khu ẩm thực dân gian; khu ẩm thực hiện đại; trung tâm thương mại, dịch vụ; khu sân khấu, nhà hát, nhà trưng bày, phòng chiếu phim; khu các trò chơi cảm giác mạnh;…
Đến với khu trung tâm, du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa thể thao, tổ chức sự kiện, team building, chiêm ngưỡng các buổi biểu diễn nghệ thuật và tham gia nhiều trò chơi cảm giác mạnh. Thông tin mới nhất về hạng mục này sẽ được Siêu Phượt cập nhật tại đây!

Khu dịch vụ du lịch tổng hợp
Khu dịch vụ du lịch tổng hợp là khu phức hợp du lịch, văn hóa, thể thao quy mô lớn với diện tích 138.83 hecta. Khu vực này được xây dựng để khai thác triệt để cảnh quan tự nhiên, tạo ra nhiều không gian du lịch hấp dẫn khách tham quan.
Khu công viên bến thuyền
Khu công viên bến thuyền có diện tích 341.53 hecta bao gồm: 310.04 hecta phần mặt nước hồ Đồng Mô, và 31.49 hecta mặt nước. Đây là nơi diễn ra các hoạt động du lịch, thể thao gắn liền với khu vực hồ Đồng Mô và cổng B của làng văn hóa. Một số hoạt động có thể kể đến như chèo thuyền, đi cano, biểu diễn văn nghệ trên thuyền,…

Khu cây xanh mặt nước Đồng Mô
Khu cây xanh mặt nước Đồng Mô có diện tích là 600.9 hecta, đây là nơi phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, mang đến cho du khách những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Một số hoạt động trải nghiệm tại đây gồm có: cắm trại, tổ chức các hoạt động ngoài trời,…

Khu quản lý điều hành văn phòng
Khu quản lý điều hành là nơi đón tiếp các đoàn khách tham quan, có diện tích 78.5 hecta bao gồm: khu nhà công vụ của ban quản lý; khu văn phòng, quản lý điều hành trung tâm; khu sinh hoạt của đồng bào người thượng khi tham gia các sự kiện tại làng văn hóa.

Các hoạt động phổ biến tại làng văn hóa
Có rất nhiều hoạt động đặc sắc mà bạn có thể trải nghiệm khi tham quan làng văn hóa các dân tộc, nổi bật trong số đó là các hoạt động:
Trải nghiệm khu vui chơi giải trí
Có một khu vực được thiết kế dành riêng cho các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây như: ném còn, nhảy sạp, đánh đu,… Bên cạnh đó là khu công viên rộng lớn dành cho khách tham quan tổ chức các sự kiện, hoạt động team building.


Giao lưu ẩm thực dân tộc
Đến với làng văn hóa, du phượt khách còn có cơ hội tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn cùng với người dân tộc. Hoạt động này nhằm giúp bạn hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của vùng cao.
Ngoài ra, làng văn hóa thường tổ chức nhiều buổi giao lưu văn hóa – văn nghệ, trình diễn các tiết mục truyền thống mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc, thể hiện qua từng điệu múa, câu hát, và giai điệu của các văn nghệ sĩ dân tộc tại đây.



Những lễ hội văn hóa được tổ chức thường niên cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du phượt khách khi đến tham quan làng văn hóa. Danh sách các lễ hội được tổ chức tại đây gồm có:
Tên lễ hội | Dân tộc | Thời gian tổ chức |
Tết Khù Sự Chà | Hà Nhì | Đầu tháng 1 |
Đâm Đuống | Mường | Giữa tháng 1 |
Tết Gơ Rơ | Khơ Mú | Cuối tháng 1 |
Tung Còn | Thái | Giữa tháng 2 |
Gầu Tào | H’Mông | Giữa tháng 2 |
Aza Koonh | Tà ôi | Giữa tháng 2 |
Trỉa Hạt | Bru Vân Kiều | Giữa tháng 3 |
Bàn Vương | Dao | Cuối tháng 4 |
Tết Chôl Chnăm Thmây | Khmer | Giữa tháng 4 |
Xăng Khan | Thái | Giữa tháng 4 |
Cầu Mưa | Gia Rai | Giữa tháng 4 |
Pang A | La Ha | Cuối tháng 4 |
Xên Cung | Khơ Mú | Cuối tháng 4 |
Kéo Vợ | H’Mông | Đầu tháng 5 |
Tơ Mon | Ba Na | Cuối tháng 5 |
Vỗ Mông | H’Mông | Cuối tháng 8 |
Rửa Làng | Lô Lô | Đầu tháng 9 |
Sen Dolta | Khmer | Đầu tháng 10 |
Mát Nhà | Mường | Đầu tháng 10 |
Cầu Mùa | Khơ Mú | Giữa tháng 10 |
Dâng Y Kathina | Khmer | Đầu tháng 11 |
Rượu Cần | Kháng | Cuối tháng 12 |

Chụp ảnh check-in
Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm chụp hình vô cùng đẹp mắt với các công trình kiến trúc xếp vào hàng đẹp nhất nước ta. Nơi đây là địa điểm thu hút rất nhiều tín đồ sống ảo, chỉ cần đặt chân đến làng, bạn sẽ có vô số những bức hình đẹp. Địa điểm được nhiều người check-in nhất trong thời gian gần đây là: chùa Khmer và tháp Chăm.


Tổ chức sự kiện
Ngoài các hoạt động tín ngưỡng văn hóa, làng văn hóa dân tộc còn cung cấp các dịch vụ tổ chức sự kiện để phục vụ nhu cầu của du khách. Vì vậy, nếu bạn đi du lịch theo tour, theo đoàn và muốn tổ chức các sự kiện ở đây, bạn hoàn toàn có thể liên hệ ban quản lý qua hotline: 0246.2929.777 – 0246.6566.066 để được hỗ trợ.
Nét ẩm thực các dân tộc tại làng văn hóa
Làng văn hóa dân tộc là nơi hội tụ các nền văn hóa ẩm thực độc đáo của người thượng. Hãy cùng điểm qua một số nền ẩm thực dân tộc tiêu biểu ngay sau đây:
Đặc sản dân tộc Tày
Một trong những món ăn truyền thống của người dân tộc Tày là món xôi ngũ sắc, món ăn có triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành. Xôi ngũ sắc có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Món ăn thơm, dẻo được làm từ các nguyên liệu địa phương nên mang mùi vị rất đặc trưng.
Ngoài ra, còn có một số món đặc sản khác như: bánh gio, bánh bột lọc, cơm lam, thịt trâu khô, măng nhồi thịt,… tất cả đều mang âm hưởng dân tộc Tày.

Đặc sản dân tộc Thái
Các món ăn của người dân tộc Thái đều được chế biến rất công phu, trong đó nổi tiếng nhất là các món nướng. Một số món nướng mang đậm vị Thái phải kể đến như: thịt trâu, thịt bò, thịt gà và cá…
Nguyên liệu chế biến được người Thái chọn lọc rất kỹ, phải đảm bảo tươi sống hoàn toàn, mỗi loại thịt sẽ có một công thức gia vị riêng. Sau khi ướp gia vị, nguyên liệu sẽ được gói bằng lá chuối, lá dong, kẹp lại bằng tre rồi mới mang đi nướng trên than đỏ.

Đặc sản dân tộc Dao
Dân tộc Dao nổi tiếng với các món rừng, đặc biệt là món gà đồi trứ danh. Những con gà đồi thường được thả rông, chúng không ăn thóc mà chỉ ăn cây cỏ, côn trùng trong tự nhiên, vì vậy mà thịt gà đồi rất săn chắc và đậm vị núi rừng.
Ngoài ra, còn có một số món ăn khác nổi tiếng của người Dao mà bạn có thể thưởng thức như là: thịt gác bếp, thịt ướp chua, cá nướng, xôi ngũ sắc…

Thuê phòng tại làng văn hóa dân tộc
Nếu bạn muốn tìm một địa điểm thuê phòng tại khu vực làng văn hóa, thì bạn sẽ có 2 lựa chọn: thuê homestay bên trong làng văn hóa hoặc thuê phòng bên ngoài khu du lịch.
Thuê homestay bên trong làng văn hóa
Ngủ qua đêm tại nhà sàn dân tộc chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ dành cho phượt khách. Không giống với những homestay mang kiểu dáng nhà sàn nhưng có đầy đủ tiện nghi ở bên ngoài, ngược lại homestay bên trong làng văn hóa là một ngôi nhà sàn thuần túy, không có máy lạnh, giường đệm đơn sơ.

Nếu bạn đủ sự kiên nhẫn, và muốn trải nghiệm một đêm tại đây, bạn có thể thương lượng với các cư dân tại khu làng hoặc đăng ký tại đây. Mức giá nghỉ ngơi một đêm chỉ khoảng 100.000 đồng, nhưng việc bạn ở ghép với nhiều người là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì một homestay ở đây có sức chứa lên đến 80 người/ nhà sàn.

Queen’s Homestay Ba Vì
Queen’s Homestay Ba Vì cách làng văn hóa khoảng 2km đi bộ, là một khu nghỉ dưỡng có nhiều homestay với nhiều kiểu dáng và mức giá khác nhau.
Một số homestay có kiểu dáng như nhà sàn của người dân tộc, nhưng bên trong lại có đầy đủ tiện nghi như wifi, máy lạnh, khuôn viên bên ngoài còn có cả hồ bơi dành cho phượt khách. Giá phòng tại đây chỉ từ 600.000 đồng/ đêm cho phòng 2 người, bao gồm cả chi phí ăn sáng.


Fefe Garden
Fefe Garden cách làng văn hóa dân tộc khoảng 3km, cũng là một khu vườn rộng lớn với nhiều homestay. Những homestay tại đây đa phần có kết cấu đơn giản, nhưng đầy đủ wifi, máy lạnh…
Homestay rất được nhiều người ưa chuộng bởi khoảng cách gần làng văn hóa, nhưng giá lại tốt. Giá thuê một phòng tại đây chỉ từ 800.000 đồng/ 2 ngày 1 đêm cho phòng 2 người.


Dịch vụ mua sắm tại Làng văn hóa các dân tộc
Bên cạnh việc tham quan, phượt khách còn có thể mua sắm cho mình một vài mặt hàng của người dân tộc. Các khu mua sắm tại đây phân bố theo từng ngôi làng, một số khu phổ biến gồm có:
Làng dân tộc Thái
Đến với làng dân tộc Thái, bạn có thể mua khăn piêu, khăn quàng, quần áo thổ cẩm, túi, ví, thú bông, móc chìa khóa; các món ăn như chè, sữa chua Mộc Châu, mật ong, măng miến, ớt ngâm; các loại củ quả hay các món ẩm thực để quý như: thịt trâu gác bếp, thịt lợn hun khói, lạp sườn, xôi màu…
Làng dân tộc Tày
Đến với làng dân tộc Tày, du khách có thể mua lạp sườn, thịt hun khói, rượu men lá, chè Thái Nguyên, mật ong, măng, miến, rau rừng theo mùa, nón lá cọ; bánh dày, bánh bột lọc, bánh nậm; và đặc biệt là những chiếc giỏ tre xinh xắn,…

Một số thông tin hữu ích khi phượt làng văn hóa.
- Hành trình tham quan chủ yếu là đi bộ, nên bạn sẽ tốn nhiều năng lượng cho việc di chuyển.
- Để tiết kiệm thời gian và năng lượng, bạn nên di chuyển bằng xe điện.
- Bên cạnh đó, hãy mang theo giày thể thao, trong balo phải có sẵn một vài chai nước
- Bạn có thể mang theo đồ ăn từ bên ngoài vào làng mà không tốn thêm phụ phí.
- Nhà vệ sinh (miễn phí) cũng được phân bố đều ở khắp mọi điểm tham quan.
- Bạn có thể thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh tại đây với giá thương lượng.
Trên đây là những thông tin cần thiết cho một chuyến đi phượt tại làng văn hóa dân tộc. Hãy chuẩn bị thật chu đáo để góp phần làm chuyến đi của bạn thêm thành công.
- Cẩm Nang Phượt Chùa Hương Hà Nội - October 16, 2022
- Cùng Phượt Làng Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam - July 21, 2022
- Khám Phá Vẻ Đẹp Đền Quán Thánh Hà Nội - July 1, 2022
Bình Luận