Đặc sản Nam Định mang một phong cách ẩm thực độc đáo và đậm chất riêng, không hoàn toàn giống với nét ẩm thực thuần túy của đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá nét đẹp của ẩm thực Nam Định, cùng với TOP 10 các đặc sản Nam Định tiêu biểu nhất.
Lịch sử hình thành ẩm thực Nam Định
Ẩm thực Nam Định trước đây không khác nhiều so với ẩm thực của đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Sau khi nhà Minh sụp đổ vào thể kỷ XVII, đã có rất nhiều đoàn tàu chở người Hoa đi tị nạn ở khắp nơi tại Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt.
Mặc dù đã có những khu phố người Hoa đầu tiên được thành lập tại Nam Định vào đầu thế kỷ XVIII, nhưng đặc sản Nam Định lúc bấy giờ vẫn mang âm hưởng của đồng bằng Bắc Bộ nói chung, mà chưa bị tác động đáng kể bởi đoàn người di cư với số lượng khiêm tốn.
Vào cuối thế kỷ XIX, nhà nước Phú Lãng Sa (Pháp thuộc) đã tạo điều kiện cho người Hoa nhập cư vào đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở Nam Định, Hải Phòng và Hà Nội.
Tại Nam Định thì người Hoa tập trung ở hầu hết các khu phố cổ, nhiều nhất là khu Phan Đình Phùng và Lý Thường Kiệt. Nét ẩm thực độc đáo của người Hoa đã rất nhanh chinh phục được khẩu vị của người dân bản địa.
Để thích nghi với phong cách ẩm thực địa phương, một số món ăn Trung Hoa đã được chế biến theo hương vị của người Việt, từ đó mà chúng ta có sự giao thoa của nền ẩm thực Hoa – Việt tại Nam Định như bây giờ.
Người Nam Định tuy đã quen với khẩu vị của món ăn Trung Hoa, nhưng vẫn không quên những món ăn truyền thống của cha ông. Chúng ta có thể thấy những món ăn truyền thống xuất hiện trên các mâm cỗ vào dịp lễ tết, hoặc những món ăn gia truyền từ nhiều đời mang đậm chất Việt Nam.
Tổng quan về đặc sản Nam Định
Đặc sản Nam Định là sự kết hợp giữa nền ẩm thực của đồng bằng Bắc Bộ và ẩm thực Trung Hoa, vì vậy mà có những món ăn tuy là Hoa nhưng thuần Việt, tuy Việt nhưng theo phong cách Hoa. Các món ăn dù gốc Hoa hay Gốc Việt, đều có công thức gia truyền riêng qua nhiều thế hệ.
Các món đặc sản Nam Định nhìn chung đều có vị thanh đạm, không quá ngọt như miền Nam, không cay nồng như miền Bắc. Nguyên liệu chế biến là những nguyên liệu sẵn có ở nội địa như: gạo nếp, ngũ cốc, thịt gia súc, các loại hải sản…
Người Nam Định rất quan trọng ở khâu lựa chọn nguyên liệu và cách chế biến. Tuy nhiên, cách bày biện và trang trí món ăn của người Nam Định lại không quá cầu kỳ.
TOP 10 đặc sản Nam Định được yêu thích nhất
Nếu bạn đi phượt Nam Định mà không ăn đặc sản nơi đây thì thật là phí. Các món đặc sản Nam Định sau đây nhất định sẽ chinh phục được nhiều bạn phượt khách khi du phượt đến thành Nam.
Kem xôi Nam Định
Khi nói về đặc sản Nam Định, món ăn đầu tiên phượt khách quan tâm phải là kem xôi, với nguyên liệu chính đặc trưng là nếp. Cách làm kem xôi không quá cầu kỳ, nhưng lại ngon đến lạ.
Để nếp được dẻo và thơm, cần phải ngâm nếp với lá dứa trong 1 ngày. Sau khi đã đủ thời gian, nếp được đem đi hông khoảng 30 phút, rồi để nguội. Phần kem được cho vào xôi, bỏ thêm một ít dừa sấy khô, đậu phộng rang…. chúng ta sẽ có một bát kem xôi đúng chuẩn vị Nam Định.
Với sự thanh mát của kem, thoang thoảng mùi thơm của lá dứa, dẻo ngọt của xôi, hòa quyện vào vị béo ngậy của nước cốt dừa. Tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt, không thể lẫn vào đâu được. Kem xôi ngon nhất khi thưởng thức vào mùa hè, nếu đi phượt Nam Định vào dịp hè thì nhất định không thể bỏ qua món đặc sản này.
Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm Giao Thủy là một trong những đặc sản Nam Định được nhiều người yêu thích, với nguyên liệu chính là thịt heo, bì heo, tỏi ớt… tất cả được đong đếm kỹ lưỡng một cách tỉ mỉ theo công thức gia truyền. Trong đó, khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của món đặc sản Nam Định này.
Thịt heo phải chọn phần thịt nạc vai, còn tươi để khi ăn sẽ không cảm thấy mùi hôi ở thịt. Thịt heo và bì heo sau khi đã rửa sạch, được đem đi luộc và để nguội khoảng 15 phút. Lưu ý, thịt chỉ cần luộc tái, nếu luộc quá chín sẽ rất khô và không còn vị ngọt của thịt nữa. Khi thịt đã nguội, hãy bằm nhuyễn và trộn với bì, thính và tỏi ớt băm nhỏ, trộn cho đến khi thính bám đều vào thịt là được.
Món ăn này thường được ăn kèm với lá sung và lá đinh lăng. Khi ăn, hãy lấy lá sung, gắp một ít nem mắm, cho một ít lá đinh lăng lên trên nem, sau đó cuốn lại và chấm cùng với nước mắm tỏi ớt.
Bạn sẽ cảm nhận được vị bùi, thơm của thính, ngọt, giòn của thịt và bì heo, hòa quyện cùng hương vị chua cay của nước mắm, hơi chát của lá sung, khiến cho thực khách khó có thể cầm lòng.
Bún đũa thành Nam
Nhắc đến đặc sản Nam Định, du khách không thể bỏ qua món bún đũa thành Nam ngon trứ danh. Bún đũa Nam Định có mùi vị rất đặc trưng, với sợi bún to và dài như chiếc đũa.
Nguyên liệu chính ngoài sợi bún đũa, còn có thịt heo băm xào sẵn, cùng với nước dùng đặc trưng được hầm từ gạch cua. Tùy vào sở thích của mỗi thực khách, chủ quán sẽ cho vào thịt băm, thịt bò tái hay chả… Bún đũa được ăn kèm với măng chua, giá, rau sống, thêm một số gia vị như: tiêu, sa tế để chuẩn vị Nam Định.
Xôi xíu Nam Định
Xôi xíu là một trong những món đặc sản Nam Định có nguồn gốc từ Trung Hoa, được làm từ nếp, thịt heo, cùng các nguyên liệu phụ như: hành tây, mạch nha, rượu Mai Quế Lộ… hứa hẹn sẽ là món ăn đầy hấp dẫn tại thành Nam.
Thịt được chế biến sạch sẽ, sau đó cắt thành từng lát nhỏ rồi cho vào chảo áp dầu, cho thêm một ít nước mắm, ngũ vị hương, và vài tép tỏi trộn đều. Nếp cần phải ngâm với nước trong 2 giờ, sau đó cho một ít nước vào nồi hông để xôi không bị khô, nấu trong khoảng 20-30 phút.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa phần xôi và thịt heo tạo nên một món ăn vô cùng thơm ngon, đậm chất Hoa – Việt. Nếu bạn là người thích ăn cay, hãy dùng xôi xíu với một ít tương ớt.
Bánh cuốn Làng Kênh
Bánh cuốn Làng Kênh là một trong những đặc sản Nam Định, được dùng để tiến cống cho các hoàng đế Việt Nam của triều Nguyễn. Món ăn được làm theo công thức gia truyền qua nhiều thế hệ, nên vẫn giữ được vị truyền thống cho đến ngày nay.
Nguyên liệu chính để làm nên bánh cuốn Làng kênh gồm có: bột gạo, mộc nhĩ, thịt heo. Cách làm cũng khá cầu kỳ, thịt và mộc nhĩ được băm nhỏ, xào chung với một ít gia vị cho đến khi thịt săn lại. Phần bột sau khi hòa trộn với bột năng có tỉ lệ 1:1 và cho thêm một ít nước.
Dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của người làm nghề, bánh phải tráng thật mỏng thì mới ngon. Bánh thường được cuộn cùng với mộc nhĩ, thịt, dùng kèm với nước chấm chua ngọt để cân bằng vị.
Cá nướng úp chậu
Một trong những món đặc sản Nam Định hút khách nhất, đó là món cá nướng úp chậu, một món ăn phổ biến thường được dùng vào dịp tết Nguyên Đán của cư dân nơi này.
Nguyên liệu chính thường là cá trắm to béo, nặng trên 2kg. Cá được làm sạch, tẩm ướp gia vị rồi cho vào một cái chậu nhôm. Bên dưới, có lót một ít rơm và lá chuối xung quanh gạch. Sau đó, nướng cá từ 5 – 7 tiếng đồng hồ, đến khi cá ngã vàng và có vị thơm thì dừng lại.
Quá trình nướng cá rất quan trọng, đòi hỏi người làm bếp phải kiên trì canh lửa. Lửa được điều chỉnh ở mức vừa phải, không quá to, cũng không quá nhỏ. Lửa quá to sẽ làm cá bị cháy, lửa nhỏ cá sẽ không chín đều. Cá úp chậu có vị thơm của rơm bếp, vị ngọt và béo của cá, ăn kèm với rau sống, chấm nước mắm gừng là chuẩn vị Nam Định.
Bánh Xíu Páo
Một đặc sản Nam Định đậm chất Trung Hoa khác phải kể đến đó là bánh Xíu Páo. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh Xíu Páo gồm có: trứng, bột mì, thịt heo, cùng với một số gia vị đặc trưng khác của Nam Định.
Thịt heo được băm nhỏ, ướp với tỏi, ngũ vị hương và xào chung với nhau. Phần bột sau khi nhồi thì cho nhân vào trong. Quết thêm một ít mật ong để tạo mùi thơm, màu vàng óng. Khi bánh ra lò, mùi thơm của bánh hòa quyện với mùi thơm của thịt tạo một cảm giác thơm ngon đến lạ.
Chè kho
Món đặc sản Nam Định trông rất đơn giản, nhưng đậm nét truyền thống của thành Nam, đó là món chè kho. Vào những dịp lễ lớn tại Nam Định, chè kho là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ.
Nguyên liệu chính làm nên món chè kho là đậu xanh bóc vỏ, cùng với mè, đường cát, dầu ăn… Cách chế biến cũng khá đơn giản, đậu xanh bóc vỏ được ngâm trong 4 giờ, sau đó cho vào nồi nấu chín bằng lửa vừa cùng với một ít muối.
Sau khi đậu chín nhừ, cho đường vào và đảo khuấy liên tục cho đến khi nồi đậu vàng trong và sánh lại thì tắt bếp. Mè rang được rắc lên bề mặt để tạo mùi và trang trí cho phần xôi thêm hấp dẫn.
Chè có độ mềm dẻo, thơm ngon và thanh mát. Khi ăn một miếng chè kho, nhớ uống kèm nước trà nóng thì mới chuẩn vị chè kho Nam Định.
Bánh dày Vị Dương
Một đặc sản Nam Định mang âm hưởng dân gian khác phải kể đến là bánh dày Vị Dương, nổi tiếng ở thôn Vị Dương của Nam Định. Món ăn truyền thống được nấu bằng công thức gia truyền qua nhiều thế hệ, lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian bánh chưng – bánh dày.
Nguyên liệu chính để tạo nên bánh dày Vị Dương là bột nếp (làm vỏ bánh) và đậu xanh (làm nhân bánh). Đậu xanh được làm sạch rồi đun nấu, phần bột được nhào nặn với một lượng nước vừa phải rồi dùng những chiếc chày to giã nhuyễn để bánh không bị cứng. Nhân đậu xanh sau khi nấu chín được cho vào từng chiếc vỏ bánh và mang đi hấp khoảng 8 – 10 phút.
Bánh có màu trắng, tròn trịa, dẻo dai và có mùi thơm khó cưỡng, nằm gọn trên những chiếc lá chuối màu xanh xanh được cắt thành hình tròn vừa vặn với chiếc bánh.
Trong các bữa tiệc truyền thống tại Nam Định, đặc biệt là tiệc cưới hỏi, thì bánh dày Vị Dương là món ăn không thể thiếu trong các thực đơn của nhà hàng.
Bánh gối Nam Định
Bánh gối cũng là món đặc sản Nam Định có nguồn gốc từ Trung Hoa, phổ biến ở Hà Nội và Nam Định. Tuy nhiên, bánh gối Nam Định khác hẳn với bánh gối Hà Nội, từ hình dạng, nguyên liệu vỏ bánh đến cách thưởng thức.
Nguyên liệu chính để làm nên bánh gối Nam Định đó là: bánh đa nem (còn lại là bánh tráng), bột mì, thịt heo, mộc nhĩ. Băm nhỏ thịt heo, mộc nhĩ và xào cùng với miến, trứng cút, thêm gia vị tiêu, nước mắm. Phần bột mì được pha với nước vôi trong, sau đó quết một lớp bột mì lên bánh đa, rồi dùng lớp bánh đa khác áo lại.
Nhân được cho vào lớp áo bánh đa, gói lại và tạo hình. Sau đó, thả lần lượt từng chiếc bánh vào chảo dầu sôi cho đến khi chiếc bánh vàng óng rồi vớt ra.
Bánh gối Nam Định khác bánh gối Hà Nội ở phần vỏ bánh, vốn được làm từ bột nhào với trứng. Cách tạo hình của bánh gối Nam Định cũng đơn giản hơn, không cầu kỳ ở nếp gấp.
Hơn nữa, cách người Nam Định thưởng thức bánh gối cũng khác hẳn so với người Hà Nội. Nếu như người Hà Nội ăn kèm bánh gối với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt, thì người Nam Định chỉ đơn giản là quết tương ớt hoặc sốt gia truyền lên bánh (làm từ nước mắm tỏi ớt) rồi thưởng thức kèm với rau sống, dưa góp. Nếu dùng bánh gối vào mùa đông sẽ ngon hơn vào mùa hè.
Một số đặc sản Nam Định dùng để làm quà
Bên cạnh những món ăn đặc sản Nam Định đầy hấp dẫn, không thể thiếu những món quà xách tay dành tặng cho bạn bè, người thân khi đi phượt tới Nam Định. Hãy cùng điểm qua một số đặc sản Nam Định thường được mua về làm quà như là:
Kẹo Sìu Châu
Kẹo Sìu Châu, hay còn được biết đến với cái tên kẹo Triều Châu, là một món đặc sản Nam Định đậm chất Trung Hoa. Nguyên liệu làm kẹo Sìu Châu gồm có lạc, vừng, đường mía, mạch nha… tất cả thành phần được đong đếm theo công thức gia truyền.
Để nấu được kẹo Sìu Châu, người thợ cần có đôi tay nhanh nhẹn, tinh tế. Các công đoạn chỉ được làm vỏn vẹn trong 10 phút với phương pháp nấu, khuấy và cô đặc…. tạo nên những chiếc bánh Sìu Châu thơm ngon, dẻo và giòn.
Dù mang âm hưởng Trung Hoa, nhưng kẹo Sìu Châu được ví như vua của các loại kẹo ở thành Nam, xứng đáng trở thành món “đặc sản Nam Định dùng để làm quà” được ưa chuộng nhất.
Bánh đa vừng Thôn Phượng
Bánh đa Thôn Phượng là một trong những món đặc sản Nam Định truyền thống, được làm từ làng nghề nổi tiếng cùng tên ở Nam Định. Bánh có hình tròn, nguyên liệu chính để làm nên món bánh đa là bột gạo và vừng trắng.
Bột gạo được tráng cho thật mỏng, đường kính 39 – 40cm, sau đó đem phơi ngoài nắng 2 lần cho khô kiệt. Bánh đa Thôn Phượng có vị ngọt, béo của vừng, và có vị thơm đặc trưng của bánh, khi ăn vào giòn và xốp. Giá thành của bánh đa thôn Phượng cũng khá rẻ, thích hợp để mua về làm quà.
Bánh nhãn Hải Hậu
Một đặc sản Nam Định nổi danh khác dùng để làm quà, đó là món bánh nhãn vùng Hải Hậu. Bánh được gọi là bánh nhãn vì có hình dạng, màu sắc giống với quả nhãn.
Với nguyên liệu đặc trưng là bột gạo nếp và lòng đỏ trứng gà, bánh trải qua công đoạn nhào nặn, tạo hình và chiên ngập dầu cho đến khi bánh có độ vàng chín và phồng lên thì vớt ra.
Khi ăn, du phượt khách sẽ cảm nhận được miếng bánh giòn rụm, cộng thêm vị ngọt thanh vô cùng kích thích vị giác. Bánh được đóng gói trong những bao bì đẹp mắt, phù hợp cho việc mua về làm quà của bạn.
Một số nhà hàng nổi tiếng tại Nam Định
Nếu bạn đã biết Thành Nam có những món đặc sản gì rồi, thì hãy bắt đầu trải nghiệm những món đặc sản này tại các hàng quán sau đây:
Thành Nam quán
Thành Nam quán là một trong những quán ăn nổi tiếng ở Nam Định. Quán không chỉ phục vụ các món đặc sản Nam Định, mà còn có đầy đủ các món ẩm thực của ba miền. Với phong cảnh đẹp và bãi để xe rộng rãi, Thành Nam quán là sự lựa chọn hàng đầu cho các bạn phượt khách đi theo nhóm.
Làng cổ Gia Hưng
Làng cổ Gia Hưng nổi tiếng với các món gỏi như: gỏi bao tử tôm, gỏi hải sản, gỏi bò ngũ sắc… cùng một số món ăn độc lạ khác như: dế chiên xù, cháo bồ câu… Cách thiết kế, bố trí ở nơi đây cũng rất sang trọng, theo phong cách cổ kính.
Nhà hàng Tuấn Dê
Sở hữu mặt bằng khá rộng, nhà hàng Tuấn Dê sẽ mang đến cho bạn một không gian hoàn hảo để tổ chức những bữa tiệc liên hoan với bạn bè. Thực đơn của quán khá đa dạng, gồm nhiều món làm từ dê như: cháo dê, tiết canh dê, dê hấp… Các món được tẩm gia vị vừa phải, phù hợp với khẩu vị chung của nhiều vùng miền khác nhau.
Ngoài ra, còn một số nhà hàng, quán ăn Nam Định nổi tiếng khác mà bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết bên dưới:
TOP 10 Nhà Hàng, Quán Ăn Ngon Nhất Vùng Nam Định
Bài viết trên đã cung cấp cho các bạn phượt khách những thông tin cơ bản nhất về đặc sản Nam Định nói chung. Nếu chuẩn bị có một chuyến đi phượt Nam Định, thì đừng quên lưu lại trang này như một cẩm nang ăn uống của bạn khi đến chơi tại Nam Định.